Vĩnh Phúc: Phấn đấu tăng trưởng nông, lâm nghiệp 1,5-2% mỗi năm

Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa, xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản có thế mạnh.
Vĩnh Phúc: Phấn đấu tăng trưởng nông, lâm nghiệp 1,5-2% mỗi năm ảnh 1Diện mạo nông thôn ở Vĩnh Phúc ngày càng khởi sắc. (Nguồn: ntmoi.vinhphuc.gov.vn)

Xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tạo nhiều sản phẩm phù hợp với lợi thế và đáp ứng nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tỉnh huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách và các thành phần kinh tế để tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn; đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa, xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản có thế mạnh, tiến tới xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh...

Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp, thủy sản trong giai đoạn 2020-2025 bình quân đạt từ 1,5-2%/năm.

Bước vào thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Vĩnh Phúc phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến thời tiết bất thường, dịch bệnh xảy ra trên cả cây trồng, vật nuôi, giá cả thị trường nông sản không ổn định…

[Vĩnh Phúc cân bằng giữa thu hút đầu tư với phát triển công nghiệp sạch]

Song nhờ vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của Trung ương, của tỉnh, ngành Nông nghiệp đã tạo bước đột phá mạnh mẽ với sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu, nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất, đưa tốc độ tăng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 bình quân ước đạt 1,93%/năm.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, ước năm 2020, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt 145 triệu đồng/ha, thu nhập đạt 65 triệu đồng/ha, tăng khoảng 6% so với năm 2015.

Trong chăn nuôi, quy mô giá trị sản xuất năm 2020 ước tăng 1,2 lần so với năm 2015 với nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn như chăn nuôi lợn tại các xã thuộc huyện Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt tại các xã thuộc huyện Tam Dương và Tam Đảo; chăn nuôi bò sữa tại huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo...

Bên cạnh đó, hầu hết các chỉ tiêu về giám sát và đánh giá cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017-2019 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng thu nhập/ha đất trồng trọt đạt 5,49%; tăng thu nhập từ sản xuất chăn nuôi đạt 5,4%; tăng thu nhập từ sản xuất thủy sản đạt 5,0%; tăng thu nhập trên 1ha đất rừng sản xuất đạt 5%.

Riêng tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt trên 16,5% trong khi mục tiêu đề ra là chỉ là trên 4%. Tỉnh cũng đã hoàn thành kế hoạch thí điểm dồn thửa, đổi ruộng tại 2 xã Ngũ Kiên và Cao Đại của huyện Vĩnh Tường với kết quả giảm 74% tổng số thửa, trung bình mỗi hộ giảm 4,7 thửa so với trước khi dồn thửa đổi ruộng.

Nhiệm kỳ qua, Vĩnh Phúc cũng là một trong những điểm sáng về chương trình xây dựng nông thôn mới của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 112/112 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 18 sản phẩm được công nhận đạt chất lượng sản phẩm OCOP.

Tỉnh đang phấn đấu đến hết năm 2020 có 100% số huyện hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có một số xã, thôn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít; đất đai manh mún nên việc liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm còn hạn chế; kinh tế hợp tác xã, trang trại tuy đã có một số mô hình mang lại hiệu quả nhưng chưa nhân rộng được nhiều; việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm rất khó khăn, hạn chế về nguồn lực và đầu tư kinh phí, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Nửa đầu năm 2020, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện mục tiêu kép là vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa duy trì, triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên 6 tháng đầu năm, GRDP của tỉnh tăng trưởng âm và đây cũng là lần đầu tiên kinh tế Vĩnh Phúc có mức tăng trưởng âm kể từ năm 2010 đến nay.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 53.849 tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành công nghiệp-xây dựng giảm 5,2%; ngành dịch vụ giảm 4%, ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra, tại hội nghị cán bộ bàn các giải pháp cấp bách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 do Thường trực Tỉnh ủy tổ chức ngày 20/6/2020, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì quan điểm chống dịch COVID-19 như giai đoạn đầu “chống dịch như chống giặc,” đồng thời, huy động tối đa mọi nguồn lực để tháo gỡ các điểm nghẽn, giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm; khôi phục các loại hình dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ nhằm kích cầu du lịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục