VN dự Hội thảo về biển Đông tại Đại học New South Wales

Việt Nam dự Hội thảo về biển Đông tại Đại học New South Wales

Tại hội thảo, tiến sỹ sử học Nguyễn Nhã trình bày về những chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam dự Hội thảo về biển Đông tại Đại học New South Wales ảnh 1Tiến sỹ sử học Nguyễn Nhã trình bày tại hội thảo. (Ảnh: Quang Minh/Vietnam+)

Chiều 30/11, tại trường Đại học New South Wales của Australia đã diễn ra Hội thảo về biển Đông, thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, bạn bè quốc tế, Việt kiều và lưu học sinh, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Australia.

Hội thảo đã nghe tiến sỹ sử học Nguyễn Nhã trình bày về những chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo đó nhấn mạnh quyền bất khả tranh nghị này được ghi rõ trong chính sử, sách điển chế, sách địa lý, trong châu bản, văn bản chính quyền từ trung ương đến địa phương thế kỷ XIX, trong nhiều tư liệu phương Tây thế kỷ XIX.

Tiến sỹ Nguyễn Nhã cũng dẫn một số luận điểm của các luật gia phương Tây phản bác những yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo Trường Sa cũng như tại biển Đông, cho rằng đó là những yêu sách không có cơ sở pháp lý và chỉ là một phần trong chính sách bành trướng trên biển.

Tham dự hội thảo, Giáo sư danh dự Carlyle A. Thayer của Đại học New South Wales cũng trình bày về những cơ sở pháp lý và chính sách thực dụng trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông.

Giáo sư Thayer nhấn mạnh ý nghĩa địa chiến lược của quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vai trò của Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 cũng như những bước đi của ASEAN và Trung Quốc trong giải quyết vấn đề biển Đông.

Trong phần trao đổi, nhiều câu hỏi đã được nêu lên xung quanh biện pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc, vai trò của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp hiện nay ở biển Đông, giá trị của những bằng chứng lịch sử mà Việt Nam lưu giữ được...

Tiến sỹ Nguyễn Nhã nhấn mạnh phương pháp giải quyết hiện nay là nên thông qua ngoại giao là chính để có hòa bình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục