Vở cũ sao cứ diễn mãi?

Nhà báo Không Biên giới: Vở cũ sao cứ diễn mãi?

RSF còn chưa gột sạch vết ố trên chiếc áo của chính họ thì một danh sách đầy thù địch cho các năm tiếp theo là điều có thể đoán trước.
Ngày 12/3, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đưa ra kết quả khảo cứu với cái “mác” nghiên cứu về quyền tự do phát biểu ý kiến trên mạng. Tổng thư ký tổ chức này, Jean-François Julliard, khẳng định trong thông cáo: “Khoảng 60 quốc gia kiểm duyệt mạng internet theo một mức độ nào đó, đồng thời sách nhiễu các công dân mạng (netizen)."

Điều kỳ khôi là RSF tiếp tục công bố danh sách 10 quốc gia - trong đó có những cái tên rất “quen thuộc” vốn thường xuyên bị tổ chức có trụ sở tại Pháp này đả phá như Việt Nam, Cuba, Trung Quốc, Myanmar, CHDNND Triều Tiên, Iran… - là “kẻ thù của Internet.” Bên cạnh danh sách này còn có danh sách 16 quốc gia cần được “theo dõi” như Australia, Pháp, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan, Malaysia.

Phần nói về Việt Nam trong báo cáo của RSF đề cập tới nhiều vụ việc mà tổ chức này gọi là vi phạm tự do Internet, và “hồn nhiên” dẫn chứng việc chặn mạng xã hội Facebook mà không nêu rõ bằng chứng. Tổ chức này cũng không quên cáo buộc chính phủ Việt Nam ra nhiều thông tư, nghị định tăng kiểm soát mạng Internet, như việc bắt buộc các quán càphê internet phải đóng cửa sớm, hay gài phần mềm chống truy cập các trang mạng "xấu." Tự cho mình là tổ chức ủng hộ tự do báo chí, RSF cáo buộc Việt Nam giam giữ 17 công dân mạng - số lượng nhiều thứ hai thế giới theo cách kiểm đếm của họ.

RSF quả là coi thường các cá nhân và tổ chức trên thế giới khi nghĩ rằng mọi người sẽ ngây thơ tin vào những lời tố cáo quá giản đơn này!

Trong những cáo buộc vô căn cứ trên đây, chỉ cần phản biện một lời cáo buộc để xem mức độ “hồ đồ” của tổ chức này ra sao. Nếu các “nhà nghiên cứu” của RSF chịu khó đọc lại một loạt các bài báo trong năm 2010 và cả những năm trước đó, sẽ thấy rằng câu chuyện “game online” và tình trạng trẻ em, thanh niên sa đà vào các trò chơi, kể cả các trang web khiêu dâm, tới mức dẫn đến nhiều tệ nạn và gây nhức nhối thế nào trong xã hội Việt Nam. Việc quản lý các quán càphê Internet, nhất là các cửa hàng gần trường học, và chống các trang web có nội dung độc hại, vi phạm thuần phong mỹ tục bỗng dưng lại được thay cho cái nhãn chính trị để quy chụp việc ngăn cản tự do ngôn luận. Hoặc một số công dân đã cố tình lợi dung Internet để vi phạm pháp luật và bị xử lý đúng pháp luật như ở bất cứ quốc gia văn minh nào thì bất ngờ được RSF tô vẽ thành những “công dân mạng anh hùng.”

Cũng cần dẫn ra một vài con số để xem một “kẻ thù của Internet” đã phát triển Internet như thế nào. Năm 1997, Việt Nam mới bắt đầu có dịch vụ “mạng nhện toàn cầu.” Tuy nhiên, từ đó cho đến nay việc sử dụng Internet đã phát triển vô cùng nhanh.

Theo thống kê của ITU, cơ quan của Liên hợp quốc về các vấn đề công nghệ thông tin-truyền thông, vào năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 200.000 người sử dụng Internet, chiếm 0,3% dân số. Đến năm 2007, con số này đã tăng lên hơn 16,7 triệu, chiếm 19,7% số dân và tính đến cuối năm 2010, tại Việt Nam có tới 24,26 triệu người sử dụng Internet, chiếm 27,1% tổng số dân và gần lọt vào danh sách 20 quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất thế giới của World Internet Stats. Canada, quốc gia đứng vị trí thứ 20, có 26,2 triệu người dùng.

Tỷ lệ người dùng Internet của Việt Nam gần bằng tỷ lệ trung bình 28,7% của thế giới và cao hơn tỷ lệ trung bình 21,5% của châu Á. Nhiều nước bị RSF liệt vào hàng kẻ thù của Internet hoặc cần theo dõi cũng có tỷ lệ người dùng Internet rất cao so với tổng số dân.

Bên cạnh đó, các mạng xã hội cũng đang phát triển khá mạnh tại Việt Nam, mà theo nghiên cứu được công bố ngày 20/5/2010 của Yahoo! và Kantar Media thì các hoạt động chia sẻ nội dung, quan điểm trên mạng và tham gia các diễn đàn trực tuyến phổ biến hơn hoạt động làm quen, kết nối xã hội.

Theo một số thống kê tính đến tháng 12/2010, có 6 trang mạng xã hội phát triển nhất ở Việt Nam, đứng đầu là ZingMe với 4,6 triệu thành viên, kế đến là 2 mạng quốc tế - Facebook với 3,5 triệu thành viên và Yahoo có 3,1 triệu người dùng. Ba trang còn lại là Yume với 2,6 triệu người, GoOnline có 1,6 triệu trong khi Tamtay có 1 triệu người dùng. Cũng cần kể đến một số mạng với quy mô nhỏ hơn như KunKun, Cyworld, Yobanbe… Bản thân mạng Facebook thì ước đoán họ có suýt soát 2 triệu người sử dụng tính đến tháng 1/2011.

Không rõ RSF đặt họ vào vị thế “siêu hạng” nào để phán xét toàn thế giới và cáo buộc tới 60 quốc gia ở mức độ ít, nhiều khác nhau. Trước hết hãy nhìn vào “tiểu sử” của tổ chức này, chỉ qua vài thông tin cơ bản được nêu rõ trên Internet.

Robert Ménard, tổng thư ký của RSF trong suốt 20 năm, từng thừa nhận rằng ông ta có nhận tài trợ của National Endowment for Democracy (NED), một tổ chức bị cáo buộc sử dụng tiền thuế của người dân Mỹ vào các hoạt động đe dọa các nền dân chủ ở nước ngoài. Một bài báo của tác giả John Cherian trên tờ Frontline của Ấn Độ tố cáo RSF "nổi danh là có quan hệ mật thiết với các cơ quan tình báo phương Tây.” Chính Lucie Morillon, đại diện của RSF tại Washington, khẳng định trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào ngày 29/4/2005 rằng tổ chức này có hẳn… hợp đồng cung cấp thông tin với đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ ở bán cầu Tây, Otto Reich, nhân vật dính đến quá nhiều bê bối, trong đó có việc ngầm phát tán thông tin nhằm gây ảnh hưởng với công luận trong nước đối với việc Mỹ ủng hộ các chiến dịch quân sự chống các chính phủ cánh tả ở Mỹ Latinh.

RSF khởi xướng Ngày quốc tế tự do ngôn luận trên mạng Internet lần đầu tiên vào ngày 12/3/2008. Song tổ chức UNESCO, vốn ban đầu bảo trợ sự kiện này, đã quyết định từ bỏ với lý do RSF “công bố những tài liệu liên quan đến một số quốc gia thành viên UNESCO mà UNESCO không hề được thông báo và cũng không thể chấp thuận.”

Có một ví dụ thường được nêu lên khi đề cập đến cách nhìn của nhà báo với một sự kiện, nhận xét rằng khi nhìn vào một cốc nước vơi, nhà báo có thái độ tích cực sẽ nhìn vào phần có nước, người tiêu cực chỉ chăm chăm phê phần không có nước. RSF thì rõ ràng chỉ muốn “soi” xem cốc nước có cặn hay không. Song một tổ chức tự cho mình cái quyền “soi cặn” thực tế lại dính đầy cặn và chẳng hề minh bạch như thế thì liệu những lời bình phẩm có đáng tin chăng?

Bản danh sách năm nay của RSF cùng những nhận định hồ đồ của họ cũng chẳng khác mấy so với lần trước, ngoài việc thêm bớt một hai quốc gia cho có vẻ công minh. Và chừng nào RSF chưa gột sạch được những vết ố trên chiếc áo của chính họ thì một danh sách đầy thù địch cho các năm tiếp theo là điều có thể đoán trước. Bất cứ ai nhìn vào danh sách này chắc chỉ có thể thốt lên một câu: “Vẫn vở cũ sao cứ diễn mãi…”/.

Trang Huy Ly (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục