"Vò đầu bứt tai" về tiếng Anh của nhân sự cấp quản lý người Việt

Trong khi tiếng Anh được coi là kỹ năng thành thạo đương nhiên để tham gia tuyển dụng ở một số nước thì đây vẫn là một trong những rào cản chính trong việc tìm kiếm nhân sự quản lý tại Việt Nam.
"Vò đầu bứt tai" về tiếng Anh của nhân sự cấp quản lý người Việt ảnh 1Đại diện một công ty Hàn Quốc phỏng vấn ứng viên tuyển dụng. (Ảnh: Mỹ Phương/Vietnam+)

Nhân sự quản lý cấp trung và cấp cao người Việt Nam được đánh giá cao về tinh thần sẵn sàng học hỏi và làm việc chăm chỉ nhưng lại gặp nhiều trở ngại về tiếng Anh.

​Tiếng Anh được coi là kỹ năng thành thạo đương nhiên ở một số nước nhưng đây vẫn là một trong những ​rào cản chính khi tuyển dụng nhân sự quản lý ở Việt Nam.

Bản báo cáo của Navigos Search được công bố mới đây (3/11) - về những khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt tại các công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam - đã phân tích khá kỹ thực tế này​ ​với những so sánh rất cụ thể với các quốc gia láng giềng.

Hiếm nhân sự cấp cao

Theo kết quả khảo sát, có 41% người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết trong vòng 12 tháng qua họ không tìm được đủ nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt cho doanh nghiệp mình.

Đây không chỉ là “bài toán” khó ở riêng thị trường Việt Nam, mà tại hai nước láng giềng là Thái Lan và Singapore, tình trạng này cũng diễn ra tương tự với hơn một nửa những người tham gia khảo sát tại hai nước này đều cho biết họ khó khăn trong việc tìm đủ nhân sự.

Bên cạnh đó, 56% ý kiến tham gia khảo sát tại Việt Nam cho rằng họ đang gặp phải thách thức lớn nhất từ sự cạnh tranh gay gắt về mức lương, thưởng tốt hơn từ các công ty cùng ngành. Hai thị trường Thái Lan và Singapore, mức độ này còn gay gắt hơn khi có đến 84% ý kiến ở Thái Lan và 82% ý kiến ở Singapore cho thấy đây chính là khó khăn lớn nhất đối với họ khi giữ chân nhân sự cấp quản lý.

Mặt khác, chỉ có 9% những người tham gia khảo sát hài lòng về kỹ năng lãnh đạo của nhân sự cấp trung, cấp cao người Việt trong các công ty nước ngoài và đây là kỹ năng nhận được ít sự hài lòng nhất. Tính sáng tạo và lòng trung thành với công ty cũng là những kỹ năng mà đội ngũ nhân sự tại Việt Nam, Thái Lan và Singapore ít nhận được sự hài lòng.

8 ngành nghề bị cạnh tranh

Các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vẫn phải đưa tiếng Anh vào trong top 3 các yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao. Trong khi đó, tại Singapore, tiếng Anh được coi là kỹ năng thành thạo đương nhiên đối với đội ngũ nhân sự này. Chỉ có 2% người tham gia tại Singapore cho rằng tiếng Anh là yếu tố quan trọng đối với họ khi đưa ra quyết định tuyển dụng, trong khi tỷ lệ này tại Việt Nam là 31%.

Thậm chí tại Nhật Bản, một đất nước vẫn bị coi là hạn chế trong việc sử dụng ngoại ngữ thì tiếng Anh lại nhận được sự hài lòng cao của các doanh nghiệp nước ngoài đối với nhân sự quản lý người Nhật, với 61% người tham gia hài lòng về kỹ năng này.

Việc vẫn phải đưa yếu tố tiếng Anh vào trong các quyết định tuyển dụng nhân sự quản lý người Việt tại các công ty nước ngoài cho thấy, kỹ năng thành thạo tiếng Anh ở đội ngũ lao động Việt Nam vẫn đang là một trở ngại trong việc hòa nhập với môi trường làm việc đa quốc gia.

Đến cuối tháng 12 năm nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập sẽ cho phép sự tự do luân chuyển lao động tại cả 10 nước ASEAN trước mắt trong 8 ngành nghề (gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch), sẽ đặt đội ngũ quản lý người Việt trước một thách thức không nhỏ khi phải cạnh tranh với đội ngũ nhân sự tương tự đến từ các nước láng giềng, vốn có thế mạnh về tiếng Anh như Singapore, Philipines, Thái Lan…

Người Việt học hỏi nhanh

Nhân sự cấp trung và cấp cao tại cả bốn nước được khảo sát đều có những điểm mạnh tương đồng cũng như riêng biệt. Trong khi người Việt và người Singapore đều được nhận xét có điểm mạnh chung là tinh thần sẵn sàng học hỏi và làm việc chăm chỉ, thì người Thái và người Nhật được nhận xét là có động lực phát triển tự thân rất cao. Người Nhật và người Việt Nam cũng đều nhận được đánh giá cao về khả năng giao tiếp.

Trong số những điểm mạnh riêng biệt của đội ngũ quản lý của từng nước, nổi bật có đội ngũ người Singapore được đánh giá cao về tính liêm chính và có điểm mạnh về tư duy logic. Người Thái Lan nhận được mức độ hài lòng cao về độ tin cậy. Người Nhật mạnh về kỹ năng liên quan đến kỹ thuật và người Việt được đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm và khả năng học hỏi nhanh.

Chia sẻ về kết quả của cuộc khảo sát tại Việt Nam cũng như tại Nhật, Thái Lan và Singapore, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search cho biết: “Việc thiếu nhân sự cấp trung và cấp cao của các công ty nước ngoài tại Việt Nam từ lâu đã trở thành một bài toán chưa có lời giải. Không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà qua khảo sát này chúng ta cũng có thể thấy được đây là vấn đề mang tính khu vực.

Theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Vân Anh, các doanh nghiệp cần tiếp tục xây dựng các chương trình liên quan đến “Thương hiệu nhà tuyển dụng” (uy tín của công ty với tư cách là nhà tuyển dụng) và gắn kết nhân viên, để đưa ra những giải pháp tuyển dụng và sử dụng nhân sự tốt nhất, không phân biệt giới tính và địa lý. Đội ngũ nhân sự tốt chính là nguồn lực quý giá nhất trong việc xây dựng một doanh nghiệp thành công và phát triển lâu dài trong nền kinh tế có sự thách thức lớn về nguồn lực như hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục