Vốn cho ngư dân vươn khơi: "Nút thắt" vẫn còn chặt!

Vốn cho ngư dân vươn khơi, bám biển: "Nút thắt" vẫn còn chặt!

Nghị định 67 của Chính phủ đã được ban hành nhưng tới nay còn rất nhiều ngư dân vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, để yên tâm bám biển.
Vốn cho ngư dân vươn khơi, bám biển: "Nút thắt" vẫn còn chặt! ảnh 1Đóng mới tàu công suất 750 CV cho ngư dân ở Thanh Hóa. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

“Hơn hai mươi năm theo nghề cá, chưa khi nào chúng tôi không cần vốn của ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), nơi có nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng thiết thực cho ngư dân. Các cụ vẫn dạy “có bột mới gột lên hồ” thì ở đây vốn ngân hàng chính là bột.”

Đây là tâm sự của ông Nguyễn Văn Thân ở xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa khi nói về Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67).

Nghị định này đang đi vào cuộc sống và cha con ông Thân rất kỳ vọng được vay vốn theo chính sách mới này. Đôi tàu gỗ của cha con ông đang cần được nâng cấp để yên tâm vươn khơi xa hơn, cho năng suất đánh cá cao hơn. Nguyện vọng đó của gia đình ông Thân cũng là nguyện vọng chung của nhiều ngư dân tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Cùng chung niềm mong mỏi này với ông Thân, ông Trần Văn Xô ở thôn Thanh Xuyên, xã Hải Thanh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cũng chia sẻ, gia đình ông đang mong chờ Nghị định 67 đi vào cuộc sống và đặt nhiều kỳ vọng với chính sách mới này.

“Nếu được vay theo Nghị định 67 thì tôi sẽ sẽ đóng tàu to hơn, làm ăn lớn hơn nữa và dĩ nhiên thu nhập sẽ cao hơn,” ông Xô hào hứng cho biết.

Hiện tại, với công việc chính là hậu cần nghề cá, gia đình ông Xô đang tạo việc làm cho khoảng 60 lao động trong vùng với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Xô cho biết nếu được vay vốn đóng thêm tàu, gia đình ông sẽ mở rộng quy mô sản xuất và khi ấy sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động khác nữa.

Niềm vui ấy có lẽ không chỉ là niềm vui của riêng gia đình ông mà nó được nhân lên cho nhiều ngư dân trong xã.

Ông Trần Hùng Vương, Chủ tịch xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa hồ hởi nói: “Chúng tôi rất mừng khi tiếp nhận Nghị định 67. Hiện nay đội tàu của xã đã được sử dụng lâu năm đang cần được thay thế. Chúng tôi kỳ vọng, nếu Nghị định này đi vào cuộc sống sẽ mang lại thu nhập cao hơn cho nhiều ngư dân, thậm chí sẽ 'đổi đời' cho nhiều người.”

Tuy nhiên, nét mặt của ông Chủ tịch xã kém vui hơn khi ông thông báo toàn xã có 53 trường hợp đăng ký vay để hoán đổi, đóng mới tàu thì hiện nay mới chỉ có khoảng 5 trường hợp được xét vay. Như vậy, chỉ có chưa đầy 10% nhu cầu của ngư dân nơi đây có cơ hội được tiếp cận với chính sách mới và vị Chủ tịch xã này cho rằng đó là “rào cản” lớn nhất của Nghị định 67.

Lý giải cho băn khoăn trên của ông Chủ tịch xã Hải Thanh, Giám đốc Agirbank chi nhánh Thanh Hóa, Trịnh Ngọc Thanh cho biết, mặc dù ngư dân có nhu cầu, nhưng ngân hàng phải tính toán công suất, hiệu quả tại địa phương có thể phát huy được hay không, khả năng trả nợ cũng phải khả thi thì lúc đó mới đầu tư cho vay được.

“Thực tế cơ chế thì rất tốt, nhưng để cơ chế đi vào cuộc sống thì cần phải tính toán sao cho thực tế, hiệu quả,” ông Trịnh Ngọc Thanh nói.

Dường như thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của ngư dân nhưng cũng ý thức được những rủi ro của nghề cá, bà Lê Thị Oanh, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Tĩnh Gia chia sẻ, nếu như đầu tư tràn lan sẽ không có hiệu quả, cho vay theo chính sách mới này cần chọn hộ có kinh nghiệm, đặc biệt là hộ đánh bắt xa bờ.

Bà Oanh cũng nhìn nhận, người nông dân chữ tín rất cao vì thế nên nhiều khi ngân hàng cũng “đánh liều” cho vay khi đặt niềm tin vào kinh nghiệm làm ăn của họ.

Dù nhiều ngư dân đang kỳ vọng vào chính sách mới thiết thực này, nhưng ban lãnh đạo Agribank Thanh Hóa cũng đã “lường trước” được những khó khăn khi Nghị định mới đi vào cuộc sống.

Ông Trần Văn Thành, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Thanh Hóa chia sẻ: Chi phí đóng mới một tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 400 đến 800 CV theo giá năm 2014 bình quân phải có vốn từ 5 tỷ đồng trở lên, trong khi đó vốn tự có của hộ gia đình thấp, thậm chí là không có, do vậy rất khó khăn đối với công tác cho vay của ngân hàng.

Cùng với đó, theo ông Thành, việc đóng mới tầu vỏ thép có công suất từ 800 CV để khai thác xa bờ đòi hỏi trình độ tay nghề của ngư dân phải được đào tạo bài bản, thích ứng với điều kiện, môi trường đánh bắt xa bờ chuyên nghiệp. Tuy nhiên thực tế hiện nay trình độ tay ngề của ngư dân còn nhiều bất cập, chưa đủ kiến thức để sử dụng các phương tiện đánh bắt hiện đại.

Ngoài ra, theo ban lãnh đạo Agribank Thanh Hóa, việc thực hiện cơ chế đảm bảo tiền vay còn bất cập. Nghị định 67 cho phép ngân hàng nhận con tàu đóng mới, nâng cấp để khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản xa bờ làm tài sản bảo đảm cho khoản vay. Tuy nhiên theo cơ chế đảm bảo tiền vay thì phạm vi bảo đảm tối đa bằng 75% giá trị con tầu; phần thiếu tài sản thế chấp nhiều ngư dân không có để bổ sung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục