Vụ phá rừng ở Bình Thuận: Điều tra nguyên giám đốc công ty lâm nghiệp

Nguyên giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận bị khởi tố để điều tra, làm rõ việc hơn 1.000 cây rừng tự nhiên bị chặt hạ trên diện tích 38ha tại huyện Hàm Thuận Nam hồi năm 2014.
Vụ phá rừng ở Bình Thuận: Điều tra nguyên giám đốc công ty lâm nghiệp ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Ngày 22/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận để điều tra, làm rõ hành vi hủy hoại rừng quy định tại khoản 3 Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).

Ông Dũng được cho tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng thực hiện lệnh khám xét nhà riêng ông Nguyễn Tiến Dũng trên đường Từ Văn Tư, thành phố Phan Thiết.

Đây là vụ án phá rừng xảy ra năm 2014 thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Trong năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã lập đoàn kiểm tra, xác định có 1.018 cây gỗ bị chặt hạ trên diện tích 38ha rừng thuộc địa bàn hai xã Hàm Thạnh, Hàm Cần của huyện Hàm Thuận Nam.

Toàn bộ cây rừng bị hủy hoại đều là cây rừng tự nhiên tại hai tiểu khu 284 và 279 thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận.

Liên quan đến vụ việc, tháng 4/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm giam ông Ngô Văn Phong, phó giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam (thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

[Quảng Ngãi chỉ đạo xử lý vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn xã Sơn Long]

Cùng thời điểm, Cơ quan công an cũng bắt giữ Trần Hải Dương, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng-Ka Pét (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận) về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.

Theo điều tra, từ cuối năm 2012 đến đầu 2014, Dương thuê người khai thác rừng trái phép tại các tiểu khu 267, 279, 284 là rừng tự nhiên (trên địa bàn xã Hàm Cần và Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam), do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận giao cho ông Phong - phó giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam trực tiếp quản lý.

Sau đó, ông Nguyễn Tiến Dũng với danh nghĩa “cải tạo” rừng đã ký hợp đồng giao 74ha rừng tại tiểu khu 279 cho 1 công ty và công ty này đã san ủi, xâm lấn, khai thác gỗ trái phép.

Liên quan đến ông Nguyễn Tiến Dũng, tháng 8/2020, cơ quan Công an đã ra quyết định khởi tố bị can về tội hủy hoại rừng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra để chờ kết quả giám định thiệt hại tài nguyên rừng.

Sau khi có kết quả giám định, tháng 5/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phục hồi điều tra và tiến hành các bước tố tụng tiếp theo. Vụ án đang được mở rộng điều tra làm rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục