Vụ tai nạn máy bay QZ8501: Cơ phó cầm lái khi máy bay rơi

Các nhà điều tra vụ rơi máy bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia tiết lộ khi máy bay gặp nạn người cầm lái nhiều khả năng là cơ phó người Pháp Resmi-Emmanuel Plesel.
Vụ tai nạn máy bay QZ8501: Cơ phó cầm lái khi máy bay rơi ảnh 1Cơ phó người Pháp Resmi-Emmanuel Plesel. (Nguồn: AFP)

Ngày 29/1, các nhà điều tra vụ rơi máy bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia tiết lộ khi máy bay gặp nạn người cầm lái nhiều khả năng là cơ phó người Pháp Resmi-Emmanuel Plesel.

Trong cuộc họp báo tại Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (NTSC), trưởng nhóm điều tra thuộc ủy ban này, ông Marjono Siswosuwarno cho biết trong các chuyến bay cơ phó thường ngồi bên phải trong buồng lái, nhưng vào thời điểm máy bay QZ8501 gặp nạn, cơ phó Plesel là người cầm lái trong khi cơ trưởng ngồi ở bên phải giám sát.

Theo ông Siswosuwarno, việc cơ phó cầm lái là hoàn toàn có thể xảy ra trong các chuyến bay, nhưng phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt của hàng không.

Nhóm điều tra thuộc NTSC đã hoàn thành báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn máy bay QZ8501 dựa trên những dữ liệu thu được cho đến nay.

Các nhà điều tra khẳng định chắc chắn rằng khi cất cánh từ sân bay Juanda ở Surabaya, máy bay QZ8501 trong tình trạng tốt và trọng tải của chuyến bay trong phạm vi giới hạn cho phép. Đồng thời, toàn bộ phi hành đoàn trong tình trạng sức khỏe tốt, giấy phép hành nghề cũng như chứng nhận y tế của họ vẫn trong thời hạn còn giá trị.

Theo nhóm điều tra, hộp đen lưu giữ dữ liệu chuyến bay và hộp đen ghi âm hội thoại trong buồng lái máy bay QZ8501 không bị hư hại, nội dung các cuộc trò chuyện giữa các phi công cũng như với bộ phận kiểm soát không lưu rất rõ ràng và không bị nhiễu bởi bất kỳ tiếng ồn nào.

Các nhà điều tra khẳng định rằng các dữ liệu đều cho thấy không có dấu hiệu bất thường nào được ghi nhận cho đến khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar.

Ông Siswosuwarno cho biết thêm NTSC đã tải thành công toàn bộ phần ghi âm và hy vọng sẽ có được kết quả phân tích chi tiết trước thời hạn 12 tháng theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục