Vụ xe ôtô tư gắn biển xanh: Giải tỏa tâm lý e ngại khi tự phê bình

Gần đây, một số tờ báo đã phát hiện, đưa lên công luận xung quanh ý kiến của người dân về cán bộ lãnh đạo tỉnh đi xe gắn biển sai quy định.
Vụ xe ôtô tư gắn biển xanh: Giải tỏa tâm lý e ngại khi tự phê bình ảnh 1Hội báo Xuân tại Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Trong những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành khá nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng. Gần đây nhất là Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay."

Quá trình thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, đã khắc phục được nhiều hạn chế, khuyết điểm, siết lại kỷ cương trong Đảng, tạo được sự chuyển biến tích cực bước đầu trong việc ngăn chặn trên một số mặt như: suy thoái về tư tưởng chính trị, đọa đức, lối sống trong Đảng, khắc phục một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ và trong việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Tuy nhiên, trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương, vẫn còn một số mặt chưa đạt mục tiêu nghị quyết đề ra. Một trong những nguyên nhân của sự yếu kém trong quá trình thực hiện Nghị quyết là do công tác thông tin, tuyên truyền có lúc, có nơi chưa dầy đủ, kịp thời, chưa định hướng được dư luận...

Cách đây 18 năm, Đảng ta cũng đã ban hành, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII “Về một số vấn đề cơ bản, cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay,” trong đó lấy công tác tự phê bình và phê bình làm khâu đột phá.

Cuộc vận động này đã đạt một số kết quả quan trọng tuy nhiên vẫn không đạt yêu cầu đề ra, trong đó Trung ương đã chỉ ra một trong những nguyên nhân của khuyết điểm, thiếu sót trong việc thực hiện Nghị quyết đó là “chưa thực hiện tốt việc công khai kết quả tự phê bình và phê bình theo quy định để phát huy vai trò của tổ chức dân cử, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên."

Vậy công tác tự phê bình và phê bình lần này chắc Đảng ta có chủ trương công khai kết quả tự phê bình và phê bình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là một trong những khâu yếu trong quá trình thực hiện công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác tự phê bình và phê bình nói riêng. Bởi vì trong một số Nghị quyết Đảng ta chỉ rõ công tác tự phê bình và phê bình phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan; đồng thời không để rơi vào trì trệ, hình thức, không chuyển biến được tình hình; giữ vững nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích, gây rối nội bộ.

Từ khía cạnh này, bấy lâu nay trong công tác tự phê bình và phê bình vẫn thường có tâm lý khá phổ biến trong một số người lãnh đạo, có chức, có quyền khó vượt qua là “sợ” công khai, minh bạch khuyết điểm, thiếu sót của cán bộ lãnh đạo, của tổ chức đảng dễ bị kẻ địch lợi dụng xuyên tạc, làm “mất uy tín” cán bộ, làm “mất ổn định” trong nội bộ tổ chức đảng, làm giảm lòng tin của người dân đối với tổ chức đảng, với cán bộ, đảng viên.

Chính vì thế, trong những năm qua, không ít trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý có chức có quyền khi mắc sai lầm, khuyết điểm, thậm chí phạm pháp thường bị kỷ luật bằng cách "xử lý nội bộ." Thực chất nhiều khi là bao che cho nhau.

Thế nhưng, tâm lý lo ngại đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lường trước và giải tỏa cách đây 67 năm về trước. Với bút danh L.T, trong bài báo “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng,” đăng trên Báo Sự thật, số 109, ra ngày 15/4/1949, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Có những cán bộ tưởng rằng: Nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại, vì: kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền; giảm bớt uy của đoàn thể và chính quyền; làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy, chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi. Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình. Nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền thì không có gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết."

Bác Hồ còn khẳng định một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền “yếu ớt,” “thoái bộ." Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì “oai tín chẳng những không giảm bớt, mà lại thêm cao. Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ."

Cũng trong tác phẩm này, Bác Hồ đã đề ra cách thức tự phê bình và phê bình. Người nhấn mạnh: “Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn."

Bác Hồ chủ trương tất cả cán bộ, từ cấp trên đến cấp dưới, phải “thi đua sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm."

Lùi xa thời gian một chút, cách đây 64 năm, với bút danh C.B Bác Hồ đã viết bài “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí” đăng Báo Nhân dân số 68, ra ngày 31/7/1952, trong đó có đoạn viết: “Gần đây, nhân dân và báo chí đã bắt đầu (tuy còn e dè, thưa thớt) phê bình. Song những tổ chức hoặc cơ quan bị phê bình thì im lìm, không đăng báo tự phê bình, không tìm cách sửa chữa. Đó là thái độ “bưng mắt, bắt chim”, thái độ “giấu bệnh, sợ thuốc”, một thái độ không thật thà, không đứng đắn. Mong những ai, những cơ quan nào đã được nhân dân hoặc báo chí phê bình, thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, trên báo chí."

Quán triệt và vận dụng quan điểm của Bác Hồ để giải tỏa tâm lý e ngại, tích cực thi đua tự phê bình và phê bình, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, đồng thời phát động quần chúng nhân dân phê bình cán bộ, đảng viên, ngay từ những năm tháng còn chiến tranh ác liệt, Đảng ta đã nhiều lần ban hành chỉ thị yêu cầu đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình công khai trên báo chí:

Ngay sau khi giành lại hòa bình ở miền Bắc, đất nước ta đang trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến tới cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đất nước, ngày 8 tháng 12 năm 1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (khóa II) đã ban hành Chỉ thị về phê bình và tự phê bình trên báo chí.

Chỉ thị khẳng định: “Đảng ta đã trở thành một đảng lãnh đạo chính quyền Nhà nước. Những khuyết điểm của các cấp bộ Đảng, chính quyền, của các cơ quan kinh tế và đoàn thể quần chúng nếu không được phát hiện và sửa chữa kịp thời thì sẽ rất dễ xảy ra hậu quả làm tổn hại đến lợi ích của quần chúng đông đảo. Phê bình, tự phê bình trên báo chí là biện pháp rất tốt, để kịp thời phát hiện và sửa chữa những khuyết điểm ấy, để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, để sửa chữa bệnh quan liêu."

Trong bài “Tăng cường công tác báo chí của chúng ta," Tổng Bí thư Trường Chinh lúc bấy giờ đã viết: “Chúng ta chủ trương bất cứ một người dân hay là một tập thể quần chúng nào thấy cán bộ và cơ quan công tác của Đảng và Nhà nước làm điều gì sai trái, gây tổn hại cho Đảng, cho Nhà nước và cho nhân dân, đều có thể công khai phê bình lên báo chí.”

Cách đây hơn 40 năm, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang đứng vào thời kỳ cam go, khốc liệt, đế quốc Mỹ chuẩn bị âm mưu đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ "đồ đá" bằng việc đưa “pháo đài bay” B52 ra giải thảm bom xuống nhiều nơi ở miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội, vậy mà vào ngày 13/3/1972, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (khóa III) vẫn ban hành Chỉ thị “Về mở rộng phê bình trên báo chí”. Bản Chỉ thị nêu rõ: “việc phê bình và tự phê bình trên báo chí trong điều kiện cả nước có chiến tranh tuy có mặt bị hạn chế, nhất là phải giữ gìn những bí mật của Đảng và Nhà nước, nhưng (...) để góp phần thúc đẩy mọi mặt công tác của Đảng và Nhà nước ta, phục vụ tốt hơn nữa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, cần mở rộng việc phê bình và tự phê bình trên báo chí của Đảng, của các đoàn thể quần chúng, các ngành và các địa phương."

Rằng “phê bình và tự phê bình công khai có tính quần chúng rộng rãi trên báo chí là một hình thức sinh hoạt dân chủ rất cần thiết đối với sự tiến bộ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, có tác dụng cổ vũ và giáo dục mạnh mẽ đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhằm thực hiện tốt nhất mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Chỉ có mở rộng phê bình trên báo chí mới tạo được dư luận xã hội mạnh mẽ..."

Các cơ quan lãnh đạo nên tự phê bình những khuyết điểm của mình trên báo cùng cấp hoặc báo cấp trên (...). Các cơ quan hoặc cá nhân lãnh đạo các ngành và các cấp có khuyết điểm, sai lầm đã được phê bình, cần phải tự phê bình trên báo chí của Trung ương."

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, vào ngày 21/9/1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Chỉ thị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm sử dụng tốt hơn báo chí trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực."

Bản Chỉ thị có nhiều nội dung rất quan trọng, thẳng thắn, cầu thị của Đảng ta. Chỉ thị có đoạn ghi rõ: “Tất cả các cấp ủy, cơ quan của Đảng và Nhà nước, các cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc hơn nữa tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng về “Cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng, làm trong sạch và nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước; đẩy lùi và xóa bỏ hiện tượng tiêu cực, làm lành mạnh các quan hệ xã hội và thực hiện công bằng xã hội và cần đưa công khai lên báo, đài hoặc qua các cuộc sinh hoạt của các tổ chức đảng và đoàn thể quần chúng những vụ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao mắc sai lầm nghiêm trọng về phẩm chất, đạo đức."

Trong giai đoạn này, báo chí đã “vào cuộc” một cách đầy hứng khởi, tự tin, được cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhân dân cả nước ủng hộ, với hàng loạt bài lay động lòng người. Đặc biệt, loạt bài “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L đã làm sinh động, tăng cường tính chiến đấu của báo chí, động viên, tiếp sức cho báo chí và các nhà báo của chúng ta hoàn thành tốt sứ mạng của mình.

Quán triệt và vận dụng quan điểm của Bác Hồ để giải tỏa tâm lý e ngại, tích cực thi đua tự phê bình và phê bình, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, đồng thời phát động quần chúng nhân dân phê bình cán bộ, đảng viên, ngày 9/6 vừa qua, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe tư nhân nhưng gắn biển xanh.

Yêu cầu này căn cứ vào việc một số tờ báo đã phát hiện, đưa lên công luận xung quanh ý kiến của người dân về cán bộ lãnh đạo tỉnh đi xe gắn biển sai quy định. Có thể nó, sự chỉ đạo và xử lý những vụ việc mà báo chí phát hiện, đưa lên công luận là bước mở đầu, góp phần đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và cổ vũ, động viên báo chí làm tốt sứ mạng của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục