“Vua hài đất Việt": Cười vì hài vụng, cười vì lời thô

"Vua hài đất Việt" đang ngày một đi sâu nhưng có nâng cao? Các thí sinh được chọn lo làm mới mình, nhưng lẽ nào "tít mù lại vòng quanh?"

“Vua hài đất Việt” đã vào vòng trong. Tiếng cười có “xôm” hơn nhưng đó là kiểu cười bị khựng lại vì chưa tới độ, hoặc cười vì ngạc nhiên trước cách diễn của các thí sinh. Cái được là sự phối hợp nhóm hỗ trợ cho nhau khá tốt, cái chưa được là vẫn mang tính chất “cây nhà lá vườn.”


Cười hài vụng, cười lời thô!

Khán giả xem “Vua hài đất Việt” thường xuyên dễ gặp vấn đề về việc không muốn xem lặp lại. Vòng ngoài, thí sinh nào đã biểu diễn kiểu pha tiếng, kiểu hát nhại, giả gái… mà vào vòng trong không đổi cách thức thì sẽ gây nhàm và hẫng cho người xem. Có thí sinh đổi kiểu của mình nhưng lại chọn đề tài và cách thể hiện là cung cách “mặc định” của thí sinh khác nên vẫn đem đến cảm giác về sự na ná như nhau.

Nam thí sinh Trần Thế Nhân (số báo danh 0935) mặc áo dài nữ múa nón uyển chuyển và có duyên trên nền ca khúc “Việt Nam quê hương tôi” đã làm cho người xem thấy thú vị và chờ cao trào hơn nữa. Màn múa xen cả đọc rap, nhưng với người xem thì vẫn thiêu thiếu vì chỉ có bấy nhiêu. Thí sinh này còn cắt và cạo tóc trên đầu hình thành chữ V và giải trình đó là chữ đầu của “Vua hài đất Việt.”

Giám khảo Hồng Vân đã khen như chê rằng thí sinh Trần Thế Nhân rất thông minh, sở đoản rất giỏi. Nhân vận dụng hình thức diện mạo hỗ trợ cho tiểu phẩm, nhưng sở trường là hài thì nếu theo nghề chuyên nghiệp lại chưa đạt vì cần phải phong phú hơn.

Thí sinh Phạm Văn Tân (số báo danh 0417) với sự hỗ trợ của Cao Đình Vàng (số báo danh 0213) đã có sức hút vì “duyên” trong từng câu nói khi tham dự cuộc thi kỳ quặc để được tuyển nhân viên trông coi vườn thú.

Thí sinh giả giọng Duy Mạnh hát “Kiếp đỏ đen” và cho biết đó là “phần bí hiểm gắn với mảnh đời rách nát của em.” Giọng hát của NSND Trung Đức cũng được “nhại” giống đến lạ kỳ.

Tuy nhiên, giám khảo Tự Long nhận xét  thí sinh đã thiên về tấu hài hơn diễn hài. Còn nghệ sĩ  hài Xuân Bắc phải thừa nhận: “Trong đội ngũ các diễn viên chuyên nghiệp cũng ít ai có được khả năng bắt chước tiếng nói và giọng hát giỏi như bạn.” Tuy nhiên, đúng là để “trụ” được với nghề thì không chỉ có chiêu bắt chước giọng của một vài người mà thành công vững trong nghề.

Trong tiểu phẩm “Dịch vụ thuê người yêu” các thí sinh diễn có nội dung và ít nhiều gây thú vị về tình huống kịch tính cho người xem. Có cười, có cả phần gây xúc động. Đó là cảnh người cha nhận lại con gái ruột của mình sau bao ly tán. Thí sinh Phạm Hồng Phong (số báo danh 0421) đã phân trần thật thà với ban giám khảo là “Em tuổi còn trẻ... chưa có kinh nghiệm nhận con nên chưa gây được xúc động hơn!”

Cảnh cha con găp nhau mỗi người đeo trên cổ nửa cái thìa nhựa (loại xài một lần) chắp lại rồi rưng rưng. Thí sinh khóc chan hòa còn khán giả thì không biết nên cười hay khóc. Hình ảnh chiếc “thìa bạc” chắp lại khiến khó chảy nước mắt nhưng nhìn thí sinh khóc thì lại thấy… thương thương.

Chính trong tiểu phẩm này, các điều khoản gây hài đang “dân gian” vui vẻ thì bỗng lại thô đến lạ khi nhân vật thuê người yêu đưa ra tiêu chuẩn: “Người yêu phải thơm như múi mít, không được có mùi ở chỗ… đấy”

Việc đưa thơ hài vào tiểu phẩm làm cho trò diễn rất nhuyễn kiểu dân dã vậy mà bỗng lại vu vơ chạm… tục: “Nếu em là một tảng băng/ Anh là máy ủi san bằng em ngay… Nếu ủi mà vẫn đứng im/ máy khoan sẽ đến khoan liên tục vào”

Nhận xét của ban giám khảo cũng có chỗ như bị lây thí sinh… Đó là phần nói về răng của thí sinh nghe gần gũi nhưng lên sóng truyền hình cũng khó cười vì răng thí sinh… vẩu thật mà Xuân Bắc yêu cầu bạn cần khai thác cái hôn cụ thể chạm môi hay chạm răng. Vì hôn bạn kiểu gì cũng chạm răng trước chạm môi.” NSƯT Hồng Vân dường như biết “em Xuân Bắc” trêu thí sinh hơi quá lời thì đỡ: “Bạn diễn rất có duyên, tôi rất thích!”

Gala cần vượt qua “nôm na”

Tìm hiểu thông tin phóng viên Vietnam+ được biết, ban tổ chức chương trình “Vua hài đất Việt” đang chính thức phát hành vé chương trình “Gala Cuối Năm Vua hài đất Việt” tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Quả là ý định làm “gala” thật hay nhưng các thí sinh Vua hài cần vượt qua sự nôm na, để thực sự thuyết phục hơn.

Được giới thiệu rằng Gala tại Hà Nội có thêm tiệc rượu vang và chào đón tất cả các khán giả đến xem và tham dự chương trình. Đây là dịp giao lưu và tìm hiểu về chương trình “Vua hài” này đồng thời khán giả được giao lưu cùng “Top” Vua hài mới đoạt giải cao trong chung kết cuộc thi diễn ra ngày 25/12/2011.

Chương trình nói trên hội tụ các tên tuổi sáng của hài Việt. Nhưng điều được quan tâm là những cây hài, những danh tài ấy có “ủn, đẩy” được các thí sinh không? Kẻo lại thành danh hài thứ thiệt xúm lại khiêng vua hài lên ngôi một cách... chung chiêng!

Gala quy tụ một dàn “quân sư” đìm đám vốn là những cây hài nổi tiếng của hai miền Nam-Bắc, gồm: Xuân Bắc, Tự Long, Hồng Vân, Minh Vượng, Minh Nhí, Đức Hải, Chí Trung...

Bên cạnh đó là các ca sĩ cũng sẽ góp vui vào đêm Gala hài là Văn Mai Hương, Khánh Phương, Thái Thùy Linh, Đinh Mạnh Ninh. Dẫn chương trình là MC đang được mến mộ đặc biệt hiện nay là Phan Anh. Cụ thể Gala tại Thành phố Hồ Chí Minh là ngày 3/1/2012 và tại Hà Nội là ngày 8/1/2012.

Đọc những lời giới thiệu như: “Tiếng cười của Đêm hội sẽ xua tan những lo âu, vất vả, tuyệt vọng… cho ta sự thoải mái, chút thư giãn làm ta trẻ hơn, đẹp hơn và cảm thấy cuộc sống rất tươi đẹp” nhưng nghĩ đến thí sinh diễn các chiều chủ nhật, khán giả có thể thấy nghi ngại và lo lo!/.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục