Vui buồn cùng “Du lịch khu phi quân sự”

Khách du lịch đến Việt Nam thời điểm này sẽ không còn lạ lẫm với tour du lịch đặc biệt: “Du lịch khu phi quân sự” (the Demilita rized Zone tour), gọi tắt là “DMZ tour”.

Khách du lịch đến Việt Nam thời điểm này sẽ không còn lạ lẫm với tour du lịch đặc biệt:  “Du lịch khu phi quân sự” (the Demilita rized Zone tour), gọi tắt là “DMZ tour”.
 
Đến với DMZ là đến với vùng đất bom đạn thuộc khu giới tuyến quân sự tạm thời trước đây có sau ngày Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam được ký kết (vĩ tuyến 17).
 
DMZ được đánh giá là một trong những tour du lịch hấp dẫn nhất trên thế giới được khởi sự từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Nổi tiếng như vậy, nhưng vẫn còn nhiều chuyện băn khoăn…
 
Sức hút lớn

Sau chiến tranh, Quảng Trị đã có những địa danh bất tử cùng năm tháng như cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, thành cổ Quảng Trị, đường mòn Hồ Chí Minh, căn cứ Caroll, Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, hàng rào điện tử Mc Namara, Dốc Miếu - Cồn Tiên… Những di sản quý giá ấy được đổi bằng không biết bao nhiêu máu xương, để rồi đến lúc này, được nhìn nhận như là những “sản phẩm du lịch” đặc biệt, không nơi nào có được.
 
Bởi thế, trong hàng vạn khách đến Việt Nam, những ai đã từng nghe nói đến cuộc chiến tranh khốc liệt hơn 20 năm (từ 1954 - 1975) đều muốn có một tour du lịch đến DMZ.
 
DMZ tour  là một tour rất phong phú về các loại hình sản phẩm du lịch.  Tại Khe Sanh, du khách được đến thăm sân bay Tà Cơn, căn cứ Làng Vây, ăn trưa và quay về Đông Hà để từ đó ra thăm cầu Hiền Lương, sông Bến Hải - chứng nhân của cuộc chia cắt dằng dặc 20 năm với bao máu xương đổ ra để cho chiếc cầu liền nhịp. Tiếp đó, khách sẽ đi tiếp về thăm địa đạo Vịnh Mốc - một địa đạo nổi danh bởi cả một làng hầm Vĩnh Linh đã từng sống, chiến đấu, sinh hoạt, hội họp và cả sinh con đẻ cái dưới lòng sâu cách mặt đất hơn 20 m.
 
Trên đường vào dọc theo quốc lộ I, khách sẽ dừng thăm hàng rào điện tử McNamara ở phía nam sông Bến Hải, thăm thành cổ Quảng Trị với chiến tích 81 ngày đêm quân giải phóng và địch giành nhau từng mét hào.

Nhiều du khách tỏ ra vô cùng thích thú với tour du lịch này. Với họ, Việt Nam được biết đến nhiều như là một nơi đọ sức ác liệt giữa một đế quốc Mỹ hùng mạnh với tiềm lực khổng lồ về súng đạn và một bên là nhân dân Việt Nam, một đất nước nhỏ bé nhưng anh hùng. 
 
Khai thác vẫn chưa xứng tầm
 
Hàng chục ngàn du khách đến Quảng Trị đã dành cho những di tích của “DMZ tour” bao nhiêu lời ngợi ca, bao nhiêu cảm tình tốt đẹp. Nhưng cũng không phải không có những băn khoăn từ phía họ.
 
Cách thức tổ chức tour đang là rào cản cho sự phát triển của "DMZ tour". Mặc dù "DMZ tour" là sản phẩm của du lịch Quảng Trị nhưng từ giá bán tour bao nhiêu cho tới đi những đâu đều do các doanh nghiệp du lịch ở Huế thực hiện. Các hãng lữ hành ở Quảng Trị phải cạnh tranh gay gắt để tranh giành khách từ Huế ra bằng cách hạ giá tour tận... “đáy”.
 
Chị Jennifer Peacock, một du khách người Mỹ  “phát biểu cảm tưởng” với chúng tôi: "Với tổng chiều dài di chuyển trong 1 ngày gần 400 km, nhưng các nhà tổ chức du lịch của các bạn đã đưa vào quá nhiều điểm tham quan, khiến khách không có đủ thời gian"

Đó là chưa kể việc tham gia “không có kỷ luật” của lực lượng xe ôm, đội ngũ bán hàng rong “kiêm” hướng dẫn viên có vốn tiếng Anh “bồi” rất bập bõm về lịch sử… Những điều này đã khiến cho nhiều du khách cảm thấy bị phiền nhiễu khi đến thăm DMZ…
 
Nguy cơ mai một dấu tích chiến tranh
 
Không riêng du khách, tất cả những ai quan tâm đến “miền đất lửa” DMZ đều cảm thấy lo lắng cho những “sản phẩm du lịch” - những di sản - di tích từng thấm máu bao người đang có nguy cơ mai một, xuống cấp.
 
Đến với chiến trường Khe Sanh xưa, một thời từng được coi gần như là “ Điện Biên Phủ” của quân Mỹ, nhiều du khách không khỏi băn khoăn: Tại sao trong tài liệu, sách vở, báo chí, đọc thấy đây là vùng đất rất ác liệt trong chiến tranh, vậy mà giờ đây chỉ còn có cỏ cây, không còn một dấu tích gì tỏ ra nó bị tàn phá! Những mảnh bom, mảnh đạn vương vãi cũng bị nhặt bán phế liệu.
 
Còn nhớ, thời gian cuối tháng 1/2009, lúc leo lên đỉnh Hamburger Hill (đồi thịt băm) ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế) với một cựu chiến binh Mỹ - ông Thomas Denson, lính của Sư đoàn Kỵ binh bay 101, chúng tôi được chứng kiến cảnh ông ngơ ngẩn khi nhìn quả đồi lem nhem cỏ cháy, không còn một chút dấu tích gì của trận bom pháo hãi hùng hơn 40 năm trước. Tất cả đã được dân tìm phế liệu dọn sạch, những thứ còn lại chỉ là những hố bom bị vùi lấp bởi lớp lớp cỏ dại nơi mé đồi. Phải chăng, bước ra từ cuộc chiến tranh dằng dặc hơn 20 năm, có quá nhiều việc phải lo nên chúng ta đã để mất quá nhiều?

Tin tức/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục