Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đặt mục tiêu tăng trưởng 9%

Quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2011-2015 là 7,5% và thời kỳ 2016-2020 đạt 9%, gấp 1,25 lần bình quân chung cả nước.

Ngày 25/6/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tổng thể  phát triển kinh tế -xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định 198/QĐ-TTg .

Cụ thể, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ bao gồm bảy tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương), đây là vùng trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước.

Theo Quy hoạch, mục tiêu kinh tế vùng đề ra tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2011-2015 là 7,5% và thời kỳ 2016-2020 đạt 9%, (gấp 1,25 lần mức bình quân của cả nước) đồng thời GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 3.200USD-3.500 USD và đến năm 2020 đạt 5.500 USD (theo giá hiện hành.)

Theo ông Nguyễn Hoàng Hà, Phó trưởng Ban Tổng hợp, Viện Chiến lược phát triển, Ban Chủ nhiệm Đề án đã đưa ra 3 kịch bản phát triển, tuy nhiên sau đó hầu hết các ý kiến đều nghiêng về một kịch bản. “Một trong hai bối cảnh quốc tế hoặc trong nước gặp những yếu tố không thuận lợi. Ví dụ, bối cảnh quốc tế thuận lợi nhưng các yếu tố cải cách của vùng kinh tế trọng điểm không được thực hiện mạnh mẽ, các đột phá chiến lược chưa được giải quyết tốt. Sự phát triển dựa chủ yếu vào vốn trong khi nguồn vốn lại ngày càng khan hiếm và các yếu tố đổi mới công nghệ chậm được triển khai trong các khâu sản xuất, kinh doanh,” ông Nguyễn Hoàng Hòa phân tích.

Từ đó, Ban Chủ nhiệm Đề án đã lựa chọn phương án tăng trưởng kinh tế theo kịch bản trên, với tốc độ tăng trưởng là 8,25% thời kỳ 2011-2020 và 8,7% thời kỳ 2021-2030.

“ Lý do tốc độ tăng truởng trong thời kỳ 2021-2030 có thể cao hơn thời kỳ 2011-2020 do trong thời kỳ này, khủng hoảng khó xảy ra và điều quan trọng là các yếu tố nền tảng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (được tạo lập trong thời kỳ 2011-2020) phát huy tốt,” ông Hà nói.

Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến năm 2015, tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP là 7,7%, công nghiệp-xây dựng 48,3% và dịch vụ 44%; đến năm 2020 có tỷ trọng tuơng ứng là 5,5%, 49,1% và 45,4%.

Mục tiêu tỷ trọng giá trị xuất khẩu so với cả nước bằng 27% -29% vào năm 2015 và bằng 32% vào năm 2020; tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20% - 25%/năm, tỷ lệ công nghệ tiên tiến đạt khoảng 45%.

Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thúc giục, đây là bản quy hoạch mang tính vùng và nhiều vấn đề cần phải có sự tham gia của tất cả các địa phương, cộng thêm sự phối hợp, hỗ trợ từ các Bộ, ngành Trung ương để bản quy hoạch có tính thống nhất, có tính khả thi và có sự hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Theo đó, các địa phương phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội vùng để hoàn thiện quy hoạch tỉnh; thực hiện nghiêm chỉnh mục tiêu và định hướng quy hoạch vùng để đảm bảo tính thống nhất...

Vì vậy, để bản quy hoạch được thực hiện một cách có hiệu lực và hiệu quả hơn, các địa phương cần xây dựng chương trình hành động thực hiện quy hoạch, trong đó có quy chế đối với việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục