Vượt qua thách thức hướng tới xuất khẩu bền vững

Theo Cục Phó Cục XNK, với nền kinh tế hội nhập sâu rộng và có độ lớn như Việt Nam, phát triển xuất khẩu bền vững là nhiệm vụ hàng đầu.
"Thúc đẩy phát triển xuất khẩu bền vững" là chủ đề Diễn đàn xuất khẩu 2013 trong khuôn khổ Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 23 (Vietnam Expo 2013) do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, tổ chức sáng 11/4 tại Hà Nội.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Đỗ Thắng Hải khẳng định: Diễn đàn là dịp để đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia kinh tế cùng phân tích, nhận diện những thách thức và cơ hội xuất khẩu, tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan ảnh hưởng tới tính ổn định của tăng trưởng xuất khẩu, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy xuất khẩu phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Kết quả khả quan

Theo thống kê của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), quí 1 năm nay, hoạt động xuất khẩu tiếp tục có kết quả đáng khích lệ với kim ngạch đạt 29,69 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường đều có mức tăng trưởng khá như Hoa Kỳ tăng 16,9%, EU tăng 32,2%, ASEAN tăng 29,5%.

Đáng chú ý, khối lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng, xuất khẩu sang thị trường khu vực truyền thống đã tận dụng tốt cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế đa phương và song phương. Đến nay Việt Nam đã ký kết được 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, nhu cầu các thị trường này chiếm khoảng 25% tổng nhu cầu nhập khẩu của thế giới. Đặc biệt, do các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các ưu đãi xuất xứ trong FTA góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Cục Phó Cục Xuất Nhập khẩu cho rằng: Là một nền kinh tế đang phát triển, việc tăng khả năng cạnh tranh hàng hoá của Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu lớn thông qua việc ký kết các FTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi những lợi thế cạnh tranh khác trong thương mại như giá nhân công rẻ, lợi thế tài nguyên đã bão hòa, không có tính bền vững. Còn những yếu tố như thương hiệu, chất lượng sản phẩm cần một chiến lược phát triển lâu dài. Thông qua các lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hàng hoá Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường cũng như các quốc gia đối tác trong FTA. Hơn nữa, trước làn sóng FTA song phương và đa phương đang diễn ra sôi động chưa từng có trên thế giới, Việt Nam nếu không tích cực tham gia các FTA sẽ bị gạt ra khỏi sân chơi toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Hải cũng thẳng thắn nhìn nhận việc xuất khẩu của Việt Nam dù đã tăng trưởng nhưng chưa bền vững, quy mô xuất khẩu còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu do khối các doanh nghiệp FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự tham gia được vào chuỗi sản xuất và lưu thông sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu chưa có nhiều chuyển dịch tích cực, chủ yếu vẫn là những thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU..., trong khi chưa tận dụng được nhiều ưu đãi từ các Hiệp định thương mại với đối tác, đồng thời lại gặp phải nhiều rào cản kỹ thuật.

Tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Tây Nam Á, Mỹ Latinh còn nhỏ và hiện chưa có giải pháp mang tính đột phá để thực sự tận dụng được cơ hội xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng này. Mặt khác, tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất các ngành như dệt-may, giầy dép, linh kiện điện tử... thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài, làm cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu.

Vượt lên thách thức


Theo ông Đỗ Thắng Hải, với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng và có độ lớn như Việt Nam, phát triển xuất khẩu bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay. Phát triển xuất khẩu bền vững đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp căn cơ về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong đó chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu cũng như chính sách đúng đắn, hợp lý để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, gắn kết giữa phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và xuất khẩu, chú trọng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại mà trọng tâm đàm phán FTA vào các thị trường, khu vực thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng cũng đóng vai trò chiến lược, đảm bảo đầu ra ổn định cho hàng hoá xuất khẩu.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia cho rằng: Thách thức khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định FTA mới đối với hoạt động xuất khẩu là làm sao tận dụng được tối đa các lợi ích mà các FTA này mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, cân bằng cán cân thương mại khi mà Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường trong nước cho hàng hóa nhập khẩu. Trong đó, thách thức đầu tiên là khả năng tận dụng các cam kết mở cửa thị trường theo các FTA của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế. Hiện nay không ít doanh nghiệp chưa hiểu hoặc chưa quan tâm đến các ưu đãi về thuế quan.

Sự thiếu quan tâm này làm cho doanh nghiệp mất đi lợi ích về thuế, khả năng cạnh tranh, hàng hóa trên thị trường quốc tế. Một số doanh nghiệp mặc dù có hiểu biết về quy tắc xuất xứ nhưng việc áp dụng vào thực tế còn lúng túng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng chưa cập nhật đầy đủ về cam kết cắt giảm thuế quan hàng năm của các đối tác trong các FTA với Việt Nam. Mặt khác, do sự chuyển đổi cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản xuất của các doanh nghiệp để đáp ứng các tiêu chí về chứng nhận xuất xứ diễn ra chậm và chưa đáp ứng được các nhu cầu hiện nay.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có ngành công nghiệp phụ trợ đủ khả năng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất mà hiện đang phải nhập khẩu nhiều từ các thị trường không được tính giá trị xuất xứ ưu đãi, đặc biệt là Trung Quốc. Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng và đẩy nhanh quá trình thực hiện các chính sách khyến khích phát triển, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Trao đổi về một số giải pháp hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp tại diễn đàn, các chuyên gia thương mại nhấn mạnh: Để đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2013, Bộ Công Thương sẽ tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp C/O. Cùng với đó, các doanh nghiệp phải tổ chức, đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xác lập các liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và xuất khẩu, hình thành các chuỗi cung ứng để có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tiếp cận, cập nhật thông tin, đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, chuẩn bị nguồn cung cấp để đảm bảo nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc hợp pháp và chất lượng tốt nhất.

Tận dụng FTA là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030. Tiến trình đàm phán FTA sắp tới dự báo sẽ còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan quản lý cùng với sự tích cực tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận, cập nhật thông tin đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, chuẩn bị nguồn cung cấp đảm bảo nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc hợp pháp và chất lượng tốt nhất./.

Uyên Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục