WEF thảo luận về giá lương thực và biển đổi khí hậu

Sự leo thang của giá lương thực, thực phẩm và tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu là chủ đề chính tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Sự leo thang của giá lương thực, thực phẩm và tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu là chủ đề chính tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong ngày họp thứ hai 27/1 ở Davos, Thụy Sỹ.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong bài tham luận tại WEF đều bày tỏ lo ngại về sự tăng giá của lương thực thế giới, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực tại một số nước như Tunisia, Algeria, Ai Cập... hiện nay.

Đề cập tới giải pháp cho vấn đề giá lương thực, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng Nestlé, ông Peter Brabeck, cho rằng vấn đề khan hiếm nước tác động tới giá lương thực, từng được WEF năm 2004-2005 cảnh báo, song không một ai muốn tin vào điều này.

Theo ông Brabeck, để đối phó với vấn đề giá lương thực tăng cao, trước mắt thế giới không nên dùng lương thực để sản xuất nhiên liệu, cũng như phải giải quyết triệt để vấn nạn đầu cơ. Các quốc gia phải ngừng trợ cấp cho hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học và hướng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, như trồng các loại cây như ngô, mía, hay từ thị trường năng lượng cần hướng tới thị trường lương thực.

Liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu, Chủ tịch Viện Công nghệ Massachusette (MIT), Susan Hockfield nhận định, thế giới đang sở hữu công nghệ có thể đối phó một cách hiệu quả đối với hiện tượng biến đổi khí hậu và cải thiện việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, bà Susan Hockfield cho biết Mỹ, quốc gia gây lượng khí thải lớn nhất thế giới, chưa thống nhất một khuôn khổ kinh tế hỗ trợ cho sự phát triển chống biến đổi khí hậu.

Vấn đề biến đổi khí hậu cho đến nay vẫn chưa nằm trong chương trình nghị sự chính trị tại Mỹ, vì vậy, MIT cảnh báo do thiếu đầu tư trong lĩnh vực công nghệ xanh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sẽ rời bỏ Mỹ để tới Trung Quốc và châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục