WHO cảnh báo nguy cơ bội nhiễm từ các bệnh viện

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cảnh báo nguy cơ người bệnh bị bội nhiễm tại các bệnh viện trên thế giới là đáng báo động.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cảnh báo nguy cơ người bệnh bị bội nhiễm tại các bệnh viện trên thế giới là đáng báo động.

Để đối phó hiệu quả hơn với nguy cơ bội nhiễm tại các bệnh viện, WHO đã bổ nhiệm giáo sư Liam Donaldson, quan chức y tế cấp cao của Anh, làm phái viên đặc trách của tổ chức này về an toàn người bệnh ở các bệnh viện trên toàn cầu.

WHO cũng đã phát động "Chương trình an toàn bệnh nhân" nhằm nâng cao nhận thức chung về các biện pháp thông thường nhưng có thể giảm tỷ lệ bội nhiễm bệnh ở các bệnh viện.

Thực tế, hơn 13.000 bệnh viện trên thế giới đã giảm được tỷ lệ bội nhiễm chỉ thông qua biện pháp đơn giản là các nhân viên y tế rửa tay thường xuyên trong thời gian làm việc ở bệnh viện. Hơn 100.000 bệnh viện trên toàn cầu đã áp dụng chế độ kiểm tra giải phẫu an toàn, trong đó quy định tất cả nhân viên trong nhóm giải phẫu tự nhắc nhở tên và vai trò của mình trong nhóm.

Kết quả khảo sát của WHO cho thấy biện pháp này đã giảm 33% số ca biến chứng trong giải phẫu và giảm tới 50% tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật.

Nghiên cứu của WHO được tiến hành từ năm 1995-2010 cho thấy một bệnh nhân nhập viện vào bất kỳ thời điểm nào, ở bất cứ nước nào trên thế giới đều có nguy cơ bị điều trị sai với tỷ lệ 1/10 và nguy cơ tử vong (do điều trị sai) là 1/300.

Trung bình trong 100 bệnh nhân nhập viện có bảy người ở các nước phát triển và 10 người ở các nước đang phát triển có nguy cơ bị bội nhiễm ít nhất một bệnh khác trong quá trình điều trị. Tỷ lệ này ở Canada năm 2002 là 11,6% và ở Mỹ là 4,5%.

Thời gian bệnh nhân được điều trị ở các đơn vị điều trị đặc biệt càng dài, nguy cơ bị bội nhiễm bệnh càng lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục