WHO: Có thể còn 5.000 bệnh nhân Ebola chết chưa được thống kê

Giám đốc chiến lược của WHO cho biết nếu dựa nghiên cứu trước đó của y học nói rằng tỷ lệ tử vong do nhiễm dịch Ebola có thể lên đến 70%, hiện có khoảng 5.000 nạn nhân khác chưa được thống kê.
WHO: Có thể còn 5.000 bệnh nhân Ebola chết chưa được thống kê ảnh 1Nhân viên tình nguyện của Tổ chức phi Chính phủ được tiêm vắcxin chữa Ebola thử nghiệm ChAd3 tại bệnh viện CHUV, Lausane (Pháp) ngày 4/11. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo thông báo chính thức của WHO, tính đến nay, đã có 4.818 người tử vong trong tổng số 13.042 người ở khu vực Tây Phi nhiễm dịch Ebola.

Tuy nhiên, một chuyên gia của WHO cảnh báo rằng có thể vẫn còn hàng nghìn người chết do dịch Ebola tại châu Phi chưa được thống kê.

Phát biểu trước báo giới, Giám đốc chiến lược của WHO, ông Christopher Dye cho biết nếu dựa nghiên cứu trước đó của y học nói rằng tỷ lệ tử vong do nhiễm dịch Ebola có thể lên đến 70%, hiện có khoảng 5.000 nạn nhân khác chưa được thống kê.

Ngoài ra, theo ông Dye, có nhiều trường hợp người dân tự đưa nạn nhân đi chôn cất để tránh sự can thiệp của nhà chức trách, hoặc không muốn từ bỏ những hủ tục như "tắm hoặc sờ" vào người quá cố, một trong những yếu tố được cho là nguyên nhân truyền dịch.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6/11 đã hoan nghênh Thụy Sĩ tiến hành đợt thử nghiệm thứ hai vắcxin phòng chống virus Ebola, khẳng định đây là nỗ lực không ngừng của thế giới trong cuộc chiến chống dịch bệnh nguy hiểm đã cướp đi sinh mạng của gần 5.000 người này.

Theo giới chức Thụy Sĩ, vắcxin VSV-ZEBOV, do Cơ quan y tế cộng đồng của Canada phát triển, dựa vào cấu trúc virus gây viêm loét miệng, một bệnh thường xuất hiện ở động vật. Virus này bị làm yếu đi và biến đổi gen di truyền để tạo ra "glycoprotein" có trong chủng virus Ebola Zaire (ZEBOV), được phát hiện lần đầu tiên năm 1976 ở Cộng hòa Congo, từ đó kích thích phản ứng miễn dịch chống lại chủng virus Ebola hiện nay.

Vắcxin ZEBOV sẽ được Viện đại học Geneva thử nghiệm trên 115 tình nguyện viên tại Geneva. Sau khi vắcxin VSV-ZEBOV được thử độ an toàn và khả năng phản ứng miễn dịch, kết quả sẽ được thông báo vào tháng 12/2014.

Ngoài Thụy Sĩ, vắcxin VSV-ZEBOV cũng đang được thử nghiệm tại Mỹ và sắp tới sẽ được thử nghiệm ở Đức, Gabon và Kenya. Nếu đạt kết quả tốt, các đợt thử nghiệm với quy mô lớn hơn sẽ được tiến hành ở một số nước châu Phi vào tháng 1/2015.

Mặc dù cho đến nay, số người nhiễm và tử vong do dịch Ebola có phần giảm, song nỗ lực phòng chống dịch dưới nhiều hình thức đang gặp nhiều khó khăn.

Tại các nước nằm trong vùng tâm dịch, như Guinea, Liberia và Sierra Leone, tình trạng thiếu giường bệnh, nhân viên y tế và các phương tiện, thuốc men điều trị chưa được giải quyết trong bối cảnh dịch bệnh Ebola vẫn có nguy cơ lây lan trên diện rộng tại các quốc gia này.

Ngày 6/11, tại trụ sở chính ở New York (Mỹ), Ban Thư ký Liên hợp quốc đã tổ chức họp báo về diễn biến của dịch bệnh Ebola, đang hoành hành tại một số quốc gia ở Tây Phi. Trước thực trạng người nhiễm dịch vẫn tiếp tục tăng mặc dù không ở mức báo động như trước, đại diện WHO khẩn thiết kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế nhằm tăng thêm các nhóm thày thuốc tới giúp những quốc gia trên dập dịch và điều trị cho các nạn nhân.

Thư ký báo chí của Liên hợp quốc cho biết hiện có hai nhóm chuyên gia y tế quốc tế đang làm việc ở Guinea, trong khi nhu cầu thực tế phải cần ít nhất năm nhóm. Tương tự, tại Liberia mới chỉ có ba nhóm chuyên gia, đáp ứng chưa tới 25% nhu cầu thực tế, và ở Sierra Leone mới chỉ có năm nhóm, thiếu 10 nhóm so với yêu cầu của quốc gia này.

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới, đại diện Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đánh giá cao sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đối với các nạn nhân Ebola, giúp các nước đang có dịch khắc phục được những khó khăn đáng kể trong việc điều trị cho các bệnh nhân và dập dịch. Theo WFP, các nước này đang cần nhiều hơn nữa sự giúp đỡ nhanh chóng và hiệu quả từ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

WFP kêu gọi tổ chức một chiến dịch viện trợ nhân đạo trên quy mô lớn, giúp các quốc gia đang chống chọi với dịch bệnh Ebola ở khu vực Tây Phi, từ thuốc men, dụng cụ y tế, lương thực, thực phẩm tới xây dựng thêm các cơ sở y tế, cung cấp các phương tiện vận chuyển bệnh nhân.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục