WTO: Ấn Độ và Mỹ đạt được một thỏa thuận đột phá về FTA

Tổng Giám đốc WTO đã hoan nghênh Ấn Độ và Mỹ đạt được thỏa thuận đột phá trong giải quyết tranh cãi về dự trữ và trợ giá lương thực của New Delhi.
WTO: Ấn Độ và Mỹ đạt được một thỏa thuận đột phá về FTA ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: The Hindu)

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo hoan nghênh thỏa thuận về lương thực mà Ấn Độ và Mỹ vừa đạt được ngày 13/11 vừa qua, coi đây là bước đột phá trong giải quyết tranh cãi về dự trữ và trợ giá lương thực của New Delhi, tạo điều kiện cho việc ký kết Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) của WTO.

Phát biểu với báo giới tại Brisbane, Australia khi tham dự Hội nghị cấp cao G20, ông Roberto Azevedo phấn khởi nói rằng sự bế tắc của TFA từ Hội nghị Bộ trưởng WTO ở Bali cuối năm ngoái đã được giải quyết chỉ trong vài tuần.

Trong tuyên bố ngày 13/11, Nhà Trắng xác nhận Washington và New Delhi đã đạt được thỏa thuận phá vỡ thế bế tắc đối với TFA, theo đó các chương trình an ninh lương thực của Ấn Độ sẽ không bị phạt theo những quy định của WTO "cho đến khi một giải pháp lâu dài về vấn đề này được nhất trí và thông qua."

Theo Nhà Trắng, thỏa thuận trên sẽ mở đường để thực thi nhanh chóng và đầy đủ hiệp định TFA, nhằm giảm các rào cản thương mại, qua đó giảm chi phí thương mại cho các nước phát triển cũng như đang phát triển.

Đàm phán về TFA của WTO bị đình trệ do Ấn Độ từ chối ký hiệp định vào tháng 7/2014, với yêu cầu miễn các biện pháp trừng phạt mà WTO có thể áp đặt đối với dự trữ và trợ giá lương thực của nước này. New Delhi khẳng định dự trữ và trợ giá lương thực mà Ấn Độ áp dụng là cần thiết nhằm đảm bảo lương thực cho hơn 1 tỷ người dân, đồng thời hỗ trợ nông dân nghèo.

Trong khi đó, Mỹ cho rằng động thái này của Ấn Độ có thể đẩy WTO đến "bờ vực khủng hoảng," trong khi các nước phương Tây quan ngại chính sách trợ giá và dự trữ lương thực của New Delhi ảnh hưởng đến thị trường lương thực toàn cầu vì lo ngại những nguồn dự trữ này sẽ lọt ra thị trường, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 ở Bali, Indonesia tháng 12/2013, đa số thành viên WTO nhất trí miễn trừng phạt Ấn Độ về việc dự trữ và trợ giá lương thực trong thời hạn 4 năm cho đến khi có một giải pháp lâu dài. Thỏa thuận này dự kiến có hiệu lực từ giữa năm 2015. Tuy nhiên, giới chức Ấn Độ cho rằng thỏa thuận Bali không hoàn chỉnh và cần phải sửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục