Xác định Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính

Sẽ có hơn 15.000 người dân tại 10 tỉnh, thành phố “chấm điểm” về dịch vụ hành chính công trên sáu lĩnh vực thực hiện ở cấp huyện và cấp xã.
Xác định Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 6/7, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp triển khai xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2015 và kế hoạch thực hiện điều tra xã hội học xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc ký kết chương trình phối hợp xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước là việc làm mới, gắn với hoạt động tổ chức Nhà nước chuyên ngành của Bộ Nội vụ và hai cơ quan đoàn thể chính trị-xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Cựu chiến binh) với tinh thần chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ để thực hiện hoạt động.

Đây là chương trình phối hợp thứ 8 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội trong hai năm 2014-2015 nhằm thực hiện Quyết định 217,218 của Bộ Chính trị và Hiến pháp năm 2013.

Sau lễ ký kết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Cựu Chiến binh Việt Nam sẽ triển khai công việc, hướng dẫn về yêu cầu, tiêu chí, quy trình phối hợp, tham gia giám sát triển khai thực hiện Chương trình.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định trong những năm qua và trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách hành chính.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sau khi được thành lập đã tích cực hoạt động, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, trực tiếp đi kiểm tra công tác cải cách hành chính tại nhiều bộ, ngành, địa phương.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, sáu tháng đầu năm 2015, công tác cải cách hành chính từ Trung ương đến địa phương có sự chuyển biến, đạt được những kết quả tích cực, tạo được sự nhất trí và đồng thuận xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình mong muốn thông qua chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Cựu Chiến binh Việt Nam sẽ góp phần tạo kênh thông tin đến người dân và các cơ quan hành chính Nhà nước, tạo sự lan tỏa nhằm xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, dân chủ, phục vụ tốt hơn cho nhân dân.

Mục đích của chương trình ký kết là phối hợp, khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, đánh giá khách quan chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công; nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để đề xuất biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ của mình, nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.

Chương trình cũng hướng đến tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và tổ chức trong việc chấp hành quy định của pháp luật về thủ tục hành chính; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong quá trình triển khai xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Các cơ quan ký kết sẽ tổ chức điều tra xã hội học xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đối với các dịch vụ hành chính công được chọn theo lĩnh vực và đối tượng điều tra xã hội học; tổng hợp, phân tích số liệu, xây dựng báo cáo và tổ chức Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2015; giám sát quá trình triển khai kế hoạch điều tra xã hội học, việc xác định công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính để bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, minh bạch.

Sáu lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính được chọn để xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, trong đó có ba lĩnh vực thực hiện ở cấp huyện (cấp giấy chứng minh nhân dân; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp giấy phép xây dựng nhà ở) và ba lĩnh vực thực hiện ở cấp xã (cấp giấy đăng ký kết hôn; cấp giấy khai sinh và chứng thực).

Đối tượng điều tra xã hội học để xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính là người dân, tổ chức đã giải quyết thủ tục hành chính và nhận kết quả ở sáu lĩnh vực dịch vụ nói trên trong năm 2014 và các tháng đầu năm 2015; theo đó, sẽ có hơn 15.000 người dân tại 10 tỉnh, thành phố “chấm điểm” về dịch vụ hành chính công.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn về yêu cầu, tiêu chí, quy trình phối hợp tham gia và giám sát việc triển khai, thực hiện Chương trình phối hợp. Phương pháp đo lường sự hài lòng phải được đánh giá khách quan, trung thực của người dân, tổ chức, các yếu tố, tiêu chí, thành phần được xác định với số lượng nội dung phù hợp với các dịch vụ hành chính, bảo đảm tính khoa học, có sự logic chặt chẽ.

Thông qua Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, các tổ chức hành chính nhà nước nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, tổ chức để có giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ hành chính cho người dân, tổ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục