Xây Bắc Ninh thành thành phố công nghiệp hiện đại

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý Bắc Ninh cần tập trung phát triển những ngành và sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ.
Sáng 23/9, phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gợi ý Bắc Ninh cần tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên những ngành có nhiều lợi thế, có sức cạnh tranh.

Biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và quân dân tỉnh Bắc Ninh đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng cũng đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém để Đại hội phân tích rõ các nguyên nhân để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Thủ tướng cho rằng kinh tế Bắc Ninh phát triển nhanh nhưng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế, thiếu bền vững. Công nghiệp phụ trợ phát triển còn chậm. Việc đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến chưa nhiều, chưa phát huy được hết lợi thế so sánh để phát triển, nhất là đối với ngành dịch vụ-du lịch; chuyển dịch kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn còn chậm.

Bên cạnh đó, việc phát triển văn hóa-xã hội chưa tương xứng với phát triển kinh tế, một số mục tiêu chưa đạt kế hoạch, một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết. Tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục, nhất là các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và một số khu vực nông thôn...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh cần quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo để xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với tình hình của địa phương với quyết tâm cao nhất của toàn Đảng bộ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ Bắc Ninh là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển. Tỉnh có bề dày lịch sử văn hiến và truyền thống cách mạng; có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch nối liền Việt Nam với Trung Quốc - một thị trường rất lớn đang phát triển mạnh mẽ và sẽ rộng lớn hơn khi khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN được hình thành; nằm trong Hành lang kinh tế Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng nói riêng và hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore nói chung.

Tỉnh cũng nằm trong vùng quy hoạch thủ đô Hà Nội và tam giác kinh tế phát triển năng động Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh một số trọng tâm để Đại hội thảo luận, xây dựng thành nghị quyết, quán triệt và tổ chức thực hiện trong thời gian tới về phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng Đảng.

Bắc Ninh cần huy động tối đa các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế, khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phấn đấu đưa tỉnh Bắc Ninh đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đảng bộ cần tạo bước phát triển mới trong nông nghiệp, nông thôn, không ngừng nâng cao đời sống dân cư nông thôn, trước hết tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng hiện đại và hiệu quả...

Cùng với phát triển kinh tế, Thủ tướng lưu ý Bắc Ninh cần đặc biệt quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đảng bộ Bắc Ninh phải không ngừng chăm lo, đầu tư nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để làm tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức, đúng với yêu cầu và tính chất của nhiệm vụ then chốt.

Đảng bộ tỉnh cũng cần chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, lựa chọn người có đức, có tài, có uy tín vào các vị trí lãnh đạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ.

Trong những năm qua, kinh tế Bắc Ninh tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân 15,1%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất tích cực. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Bắc Ninh luôn nằm trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Chất lượng nguồn nhân lực không ngừng nâng cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45%, cao hơn mức bình quân cả nước (cả nước khoảng 40%).

Hoạt động văn hóa, thông tin và thể dục, thể thao của tỉnh có bước phát triển, trong đó Dân ca quan họ Bắc Ninh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cùng với thành công của Festival Bắc Ninh đã góp phần nâng cao vị thế của văn hóa Việt Nam nói chung và bản sắc văn hóa của Bắc Ninh nói riêng./.

Thiện Thuật-Thái Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục