Xây dựng Bình Dương thành đô thị hiện đại sau đại thắng mùa Xuân

Tỉnh Bình Dương từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển mạnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.
Xây dựng Bình Dương thành đô thị hiện đại sau đại thắng mùa Xuân ảnh 1Một góc đô thị ở thị xã Bến Cát, Bình Dương. (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)

Sau 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là sau 18 năm tái lập tỉnh (tỉnh Sông Bé tách ra thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước vào năm 1997), tỉnh Bình Dương từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển mạnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa và đô thị hóa

Những năm qua, Bình Dương đạt mức tăng trưởng kinh tế khá cao so với các địa phương trong vùng và cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh từ một tỉnh nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao đã chuyển sang hướng công nghiệp với tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp cuối năm 2014 tương ứng là 60,8%-36,2%-3%.

Thu nhập bình quân đầu người từ 6 triệu đồng/người/năm nay đạt 61,2 triệu đồng/người/năm (tương đương 2.915 USD/người), cao gấp 1,5 lần mức bình quân cả nước.

So với năm 1997, hiện nay Bình Dương đã phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu phát triển kinh tế cao gấp hàng chục lần như giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 187.000 tỷ đồng, tăng gấp 34,3 lần; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 103.000 tỷ đồng, tăng gấp 34 lần; kim ngạch xuất khẩu 17,7 tỷ USD tăng gấp 49 lần; thu ngân sách 32.000 tỷ đồng, tăng gấp 39,6 lần; tỷ lệ đô thị hóa 82% tăng gấp 3,4 lần so với thời điểm năm 1997.

Theo ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, đạt được kết quả như hiện nay là do trong quá trình phát triển kinh tế, Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa.

Năm 1997, tỉnh mới có 6 khu công nghiệp tập trung ở khu vực phía Nam với diện tích quy hoạch 800ha thì hiện nay đã phát triển lên 29 khu công nghiệp tập trung với diện tích gần 10.000ha và 8 cụm công nghiệp với hơn 600ha được phân bổ khắp các địa bàn toàn tỉnh.

Tỉnh đã đi đầu trong việc xây dựng mô hình khu, cụm công nghiệp và thực hiện triệt để chủ trương giao đất cho các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu-cụm công nghiệp hoàn chỉnh.

Bình Dương đã huy động và sử dụng tốt nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và của nhân dân.

Chủ trương "trải thảm đỏ đón nhà đầu tư" cùng với công tác cải cách thủ tục hành chính ngày càng hoàn thiện đã đưa Bình Dương trở thành địa điểm ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư.

Toàn tỉnh đã thu hút 17.266 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 129.498 tỷ đồng; 2.449 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 20,7 tỷ USD - đưa Bình Dương trở thành 1 trong 5 tỉnh, thành phố vượt ngưỡng thu hút đầu tư 20 tỷ USD. Tỷ lệ lấp kín diện tích bình quân các khu công nghiệp đạt trên 65%, các cụm công nghiệp là gần 45%.

Sự chuyển mình của Bình Dương là kết quả của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tỉnh đã sớm có chủ trương thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến hành đô thị hóa một cách đồng bộ, vững chắc.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 6 ngay sau khi tái lập tỉnh, Bình Dương đã đưa ra chủ trương phát triển công nghiệp theo hướng sạch, kỹ thuật cao, dịch vụ mũi nhọn phục vụ công nghiệp, hình thành cơ cấu hợp lý, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.

Đi đôi với phát triển các khu công nghiệp, các đô thị mới, hiện đại, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại từng bước được hình thành, phát triển, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Chủ trương, quan điểm này được xuyên suốt quá trình phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 9 (2010-2015) cũng đã chỉ ra phương hướng phát triển của Bình Dương là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện trên mọi lĩnh vực, tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ-công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa.

Tỉnh chú trọng công tác xây dựng quy hoạch. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu hàng đầu là cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và là đô thị loại một, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.

Tỉnh cũng mạnh dạn thuê tư vấn nước ngoài có uy tín lập quy hoạch chung đô thị Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 để có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Tỉnh đã triển khai các dự án quan trọng mang tính "đột phá" như Khu liên hợp Công nghiệp-Dịch vụ-Đô thị có diện tích 4.196ha, trong đó có 1.000ha trung tâm đô thị (thành phố mới Bình Dương) với Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương là hạt nhân cùng với Đại lộ Bình Dương là con đường "xương sống" nối liền Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nguyên.

Tỉnh xây dựng mới các tuyến giao thông huyết mạch, hoàn chỉnh hệ thống giao thông từ trung tâm tỉnh ra các tỉnh xung quanh, hình thành hệ thống hạ tầng để thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.

Nhiều trung tâm thương mại lớn đã hình thành và đi vào hoạt động như Trung tâm thương mại AEON Mall (Nhật Bản), Lotte Mart (Hàn Quốc), Trung tâm thương mại Becamex, Big C Bình Dương, Big C Dĩ An, Coop Mark Bình Dương, Metro.

Nhận thức rất rõ công nghiệp hóa là nhằm tạo nguồn lực để đô thị hóa và đô thị hóa lại tạo cơ hội để công nghiệp hóa phát triển bền vững, Bình Dương thực hiện chuyển đổi bắt đầu từ phát triển công nghiệp.

Khi công nghiệp phát triển tương đối thì khởi động cho quá trình đô thị hóa, khi quá trình chuyển đổi khá cao thì xét đồng thời song song cả công nghiệp hóa-đô thị hóa.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa song hành với quá trình phát triển đô thị văn minh hiện đại; đầu tư hạ tầng kỹ thuật tốt cho thu hút đầu tư để công nghiệp hóa. Xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội để thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng sống của người lao động. Đây là quá trình không thể tách rời, là hai mặt của một quá trình phát triển.

Hội thảo khoa học "Công nghiệp hóa, đô thị hóa qua thực tiễn ở tỉnh Bình Dương" do Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức vào tháng 3/2015 đã đánh giá mô hình phát triển công nghiệp tạo động lực phát triển đô thị và ngược lại, xây dựng và phát triển đô thị nhằm tạo ổn định xã hội để người dân trong và ngoài tỉnh yên tâm sống, làm việc, học tập và gắn bó lâu dài với tỉnh, góp phần phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế Bình Dương nói chung đang phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân với phương châm phát triển kinh tế cũng là vì mục tiêu chăm lo đời sống người dân tốt hơn.

Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, đời sống của các gia đình chính sách được quan tâm chăm lo; huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, giáo dục và đào tạo, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Riêng trong quý 1/2015, toàn tỉnh đã chi 398 tỷ đồng cho hoạt động an sinh xã hội.

Khắc phục hạn chế để phát triển bền vững

Nghiêm túc đánh giá, nền kinh tế Bình Dương phát triển nhanh nhưng chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch chậm, hiệu quả còn thấp; sản phẩm công nghiệp giá trị gia tăng còn ít, năng suất chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp; các ngành dịch vụ chất lượng cao có chuyển biến nhưng còn chậm.

Việc chuyển đổi công năng các doanh nghiệp đầu tư ngoài khu công nghiệp và các cụm công nghiệp ở các thị xã, thành phố sang phát triển dịch vụ, đô thị chưa triển khai được. Nhiều dự án khu dân cư, đô thị đã có chủ trương đầu tư nhưng triển khai chưa tốt.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ kỹ thuật cao trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế (nhất là trong trồng trọt); các vùng sản xuất nguyên liệu, sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với chế biến triển khai còn chậm, quy mô nhỏ...

Một số dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội giai đoạn 2010-2015 triển khai chậm; công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng các khu dân cư, nhà ở thương mại, khu đô thị... còn hạn chế và có mặt yếu kém. Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình phát triển và hội nhập kinh tế của tỉnh còn thiếu…

Mặt khác, Bình Dương đang phải giải quyết "mâu thuẫn" giữa phát triển công nghiệp với việc có gần 1 triệu công nhân nhập cư, phần lớn là phụ nữ, đặt ra nhiều vấn đề xã hội rất mới cả về dịch vụ, an ninh, văn hóa, đạo đức. Mỗi năm nhu cầu về trường học, nhà ở, y tế trên địa bàn đều tăng cao. Thực tế trên đòi hỏi Bình Dương phải bố trí nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực bảo đảm cho sự phát triển.

Để khắc phục các hạn chế nói trên, thời gian tới Bình Dương sẽ triển khai các giải pháp nhằm tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý.

Tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ-công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa, đầu tư nông nghiệp đô thị gắn với công nghệ sinh học cao và chuyển giao công nghệ sinh học.

Tỉnh cũng giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại trực thuộc Trung ương vào năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục