Xây dựng chính sách đa ngành về đô thị tăng trưởng xanh

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh trả lời phỏng vấn về việc xây dựng các chính sách đa ngành cho đô thị tăng trưởng xanh.
Xây dựng chính sách đa ngành về đô thị tăng trưởng xanh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Diễn đàn Chính sách cấp cao về Phát triển đô thị và Tăng trưởng xanh vừa được tổ chức trung tuần tháng 10 tại Tokyo (Nhật Bản) nhằm thúc đẩy phát triển đô thị xanh trên toàn cầu.

Đại diện cho Việt Nam tham dự diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã chia sẻ một trong những thông điệp đến với bạn bè quốc tế, đó là việc xây dựng các chính sách đa ngành cho đô thị tăng trưởng xanh cùng giải pháp sáng tạo trong đầu tư phát triển đô thị.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh xung quanh nội dung này.

- Xin Thứ trưởng cho biết những kỳ vọng cũng như thông điệp của Việt Nam đã được truyền tải khi tham gia diễn đàn này?

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh: Trong hơn 3 thập kỷ vừa qua, Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đã có nhiều nghiên cứu, báo cáo quan trọng về phát triển bền vững, đặc biệt là mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Định nghĩa của OECD về phát triển bền vững tại Báo cáo Brundland năm 1987 đã được công nhận và sử dụng rộng rãi trên thế giới.

Các nghiên cứu về tăng trưởng xanh do OECD thực hiện đã khẳng định khu vực đô thị có vai trò hết sức đặc thù trong việc tạo ra sự cộng hưởng giữa các mục tiêu kinh tế và mục tiêu môi trường. Đây cũng chính là nhân tố mấu chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh ở cấp độ quốc gia cũng như trên toàn cầu.

Với sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay, các đô thị châu Á đang trở thành trung tâm của những thách thức về tăng trưởng xanh, đòi hỏi cần có những phương thức tiếp cận riêng phù hợp với điều kiện và đặc điểm riêng của đô thị châu Á.

Xuất phát từ thực tiễn phát triển đô thị của các nước đang phát triển nói chung và của Việt Nam nói riêng, tham luận của đoàn Việt Nam đã nhấn mạnh 3 trọng tâm cần thực hiện để đạt mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh. Đó là cần xây dựng các chính sách đa ngành về đô thị tăng trưởng xanh, xây dựng và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực và phát triển các giải pháp sáng tạo trong đầu tư phát triển đô thị.

Tại cuộc gặp gỡ song phương giữa Bộ Xây dựng và đại diện của OECD bên lề hội nghị, OECD cũng đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với công tác phát triển đô thị tại Việt Nam và mong muốn sẽ có sự hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức nhằm thúc đẩy phát triển đô thị tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Trong thời gian tới, hai bên dự kiến sẽ phối hợp xây dựng, báo cáo rà soát tổng thể chính sách phát triển đô thị hướng tới tăng trưởng xanh.

- Phát triển đô thị tăng trưởng xanh tại Việt Nam sẽ tập trung vào những nội dung nào thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh: Bên cạnh những thành tựu về phát triển đô thị, quá trình đô thị hóa của nước ta đang diễn ra với tốc độ cao, tiềm ẩn những vấn đề và thách thức cần được xem xét một cách cẩn trọng để tránh lặp lại những sai lầm của đô thị hóa tại các quốc gia khác.

Những bất cập dễ nhận thấy là sự xuống cấp về mặt môi trường, tình trạng ô nhiễm tại các đô thị lớn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật không theo kịp so với nhu cầu sử dụng của người dân về giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải; đô thị phát triển theo phong trào, tràn lan, tự phát, không theo quy hoạch và kế hoạch... Đó cũng là những vấn đề mà hầu hết chính quyền đô thị của Việt Nam cũng như các nước đang phát triển trên thế giới hiện đang phải nỗ lực giải quyết.

Chính vì vậy, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 -2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 đã xác định các hành động khu vực đô thị thuộc nhóm hành động ưu tiên cao.

Tăng trưởng xanh không chỉ là một sự phục hồi lại những tác động bất lợi đối với môi trường, mà hơn thế nữa, đó là một sự đổi mới, áp dụng tư duy hệ thống trong phát triển và tăng trưởng. Thực hiện tăng trưởng xanh với sự cân bằng hai mục tiêu về kinh tế và môi trường là sự tiệm cận đến phát triển bền vững mà trong đó ba yếu tố về kinh tế, môi trường và xã hội cần có sự hài hòa.

Thực tế đòi hỏi sự điều chỉnh trong mô hình tăng trưởng của đô thị cũng như xây dựng các định hướng chiến lược, lộ trình thực hiện và giải pháp cụ thể, phù hợp với vai trò vị trí và đặc điểm đặc thù của mỗi đô thị.

Trước mắt, các địa phương cần nghiêm túc rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, đô thị, xác định các khu vực phát triển kèm theo kế hoạch thực hiện. Qua đó lồng ghép các mục tiêu, chỉ số về tăng trưởng xanh, nâng cao khả năng chống chịu và ứng phó biến đổi khí hậu trong các giải pháp quy hoạch, quản trị đô thị và đầu tư phát triển đô thị.

Cùng với việc rà soát, đánh giá tổng thể, hoàn thiện hệ thống các chính sách phát triển đô thị cần đảm bảo sự kết nối từ Trung ương đến địa phương. Nỗ lực chung về phát triển kinh tế phải đi đôi với giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, sử dụng năng lượng hiệu quả, tạo dựng các không gian đô thị lành mạnh, có khả năng sống tốt nhằm nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của hệ thống đô thị Việt Nam.

Đồng thời, các hợp tác song phương và đa phương cần được đẩy mạnh nhằm xây dựng chiến lược và lộ trình thực hiện phát triển đô thị tăng trưởng xanh tại Việt Nam bắt nhịp với sự phát triển chung trên thế giới.

- Mục tiêu tăng trưởng xanh được hiểu như một cái đích mà chúng ta phải hướng tới trong cả hiện tại và tương lai. Đây là cả một hành trình dài chứ không thể nóng vội đòi hỏi thành công ngay trong một sớm một chiều. Thứ trưởng có những khuyến nghị gì nhân Ngày đô thị Việt Nam 8/11 ?

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh: Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực ở cấp quốc gia để vừa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, phát triển, vừa duy trì và cân bằng sinh thái, hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu những tác động gây tổn hại tới môi trường.

Do đó, Ngày đô thị Việt Nam năm trước, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Hiệp hội đô thị Việt Nam (ACVN) và Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) phát động chủ đề “Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh”. Chủ đề này cũng là trọng tâm để thực hiện xuyên suốt cả trong năm 2014 và thời gian tới.

Phát triển đô thị xanh bước đầu đã có những dấu hiệu tích cực. Một số đô thị đã chủ động đi đầu trong việc nghiên cứu xây dựng chủ trương định hướng và kế hoạch chiến lược để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Tiêu biểu như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Bình Dương…

Các đô thị thành viên của ACVN cũng đã tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp, lồng ghép một số tiêu chí về đô thị xanh. VUPDA đã tiến hành hợp tác quốc tế trong nghiên cứu quy hoạch đô thị thông minh và tăng trưởng xanh...

Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh ở Việt Nam không những có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh-xã hội của đất nước mà còn đóng góp thiết thực cho những nỗ lực chung giải quyết vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực còn khá mới mẻ và không thể có một câu trả lời chung cho tất cả các đô thị.

Để đạt được mục tiêu xây dựng đô thị xanh là một quá trình có nhiều thách thức đòi hỏi sự cố gắng và nỗ lực của tất cả chúng ta.

Vào thời điểm này, các hoạt động hướng tới chủ đề tăng trưởng xanh được diễn ra trên khắp diễn đàn đô thị Việt Nam với nhiều cấp độ và hình thức tuyên truyền khác nhau. Điều này cho thấy, tinh thần của Ngày đô thị Việt Nam đã bước đầu đi vào những hành động cụ thể, thiết thực hướng tới mục tiêu từng bước bổ sung, hoàn thiện yêu cầu nâng cao chất lượng phát triển đô thị trong giai đoạn hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục