Xây dựng cơ chế hỗ trợ một lần cho chủ tàu đầu tư tàu cá xa bờ

Thay vì nhận hỗ trợ từ Nhà nước theo thời gian vay vốn (16 năm), chủ tàu sẽ nhận hỗ trợ một lần, tương đương mức hỗ trợ của chính sách tín dụng.
Xây dựng cơ chế hỗ trợ một lần cho chủ tàu đầu tư tàu cá xa bờ ảnh 1Đóng tàu vỏ thép tại Công ty TNHH đóng tàu Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chiều 9/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ.

Việc xây dựng Quyết định này để thực hiện thí điểm được căn cứ theo các quy định tại Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Dự thảo quy định đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân (chủ tàu) đặt hàng đóng mới và sở hữu tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên, bao gồm cả mua mới máy móc, trang thiết bị hàng hải, thiết bị phục vụ khai thác, ngư lưới cụ, trang thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa phục vụ hoạt động khai thác hải sản.

Nguyên tắc hỗ trợ là chủ tàu chỉ được hỗ trợ một lần sau đầu tư hoàn thành đóng mới tàu; mỗi tàu chỉ được hưởng một lần chính sách hỗ trợ đóng mới tàu mới, trường hợp có nhiều chính sách hỗ trợ đóng mới tàu thì chủ tàu chỉ được lựa chọn một chính sách hỗ trợ cao nhất. Như vậy có nghĩa là, thay vì nhận hỗ trợ từ Nhà nước kéo dài theo thời gian vay vốn (khoảng 16 năm), chủ tàu có thể nhận hỗ trợ một lần, tương đương với mức hỗ trợ của chính sách tín dụng.

Chỉ đạo việc xây dựng Quyết định này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung vào một số đối tượng cụ thể để thực hiện cơ chế hỗ trợ một lần như tàu dịch vụ hậu cần công suất lớn.

Phó Thủ tướng cho rằng, dự thảo Quyết định không nên phân biệt loại tàu sắt, tàu gỗ hay tàu có vỏ là vật liệu mới, đồng thời yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát nhu cầu của ngư dân và tiêu chuẩn kỹ thuật của các loại tàu để xây dựng kế hoạch vốn thực hiện Quyết định.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành đánh giá tác động và thực trạng việc thực hiện Nghị định 67 và Nghị định 89 để xây dựng Quyết định của Thủ tướng, nhằm tránh việc các chính sách cản trở nhau trong thực hiện.

Theo báo cáo của các cơ quan liên quan, sau gần 2 năm thực hiện Nghị định 67, hệ thống ngân hàng đã tiếp nhận 770 hồ sơ đăng ký vay vốn ưu đãi đóng tàu đánh bắt xa bờ, trong đó 533 hồ sơ đã được ký duyệt trong tổng số 2.284 tàu cần phải đóng từ nay tới năm 2020.

Đến nay, đã có 156 tàu đánh bắt xa bờ được hạ thủy. Với tàu dịch vụ hậu cần, ngư dân đã đăng ký 209 tàu, trong đó 76 tàu ký hợp đồng vay vốn tín dụng theo Nghị định 67 và có 26 tàu loại này đi vào hoạt động. Từ kết quả trên, các bộ, ngành cho rằng việc thực hiện Nghị định 67 và sau này là Nghị định 89 đang diễn ra thuận lợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục