Xây dựng cơ sở dữ liệu Âm nhạc Cung đình Huế

Từ 2012 đến nay, Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế đã báo cáo thành công hồ sơ nghiên cứu Nhã nhạc "Bài bản Tam Thiên," "Mặt nạ tuồng Huế."
Đạo diễn Trương Tuấn Hải, giám đốc Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế cho biết: Bên cạnh hoạt động biểu diễn, đưa Nhã nhạc cung đình Huế đến rộng rãi hơn với công chúng và du khách, đơn vị đã chú trọng đến công tác sưu tầm nghiên cứu, coi đây là một công việc quan trọng, xuyên suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể của Huế, vốn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại.

Từ năm 2012 đến nay, Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế đã báo cáo thành công hồ sơ nghiên cứu Nhã nhạc "Bài bản Tam Thiên," "Mặt nạ tuồng Huế," kết thúc giai đoạn I hồ sơ nghiên cứu Nhã nhạc "Bài bản Cung ai." Nhà hát đã dàn dựng vở tuồng Trần Bình Trọng, tổ chức hai đợt tập huấn Nhã nhạc và ca múa cung đình (bài Thị hồ vu thiên trong tiết mục múa Tam quốc Tây du); dàn dựng chương trình nhã nhạc tham gia hội thi nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ I tại thành phố Huế...

Đặc biệt, lần đầu tiên, nhà hát đã thực hiện hoàn chỉnh đề cương hồ sơ nghiên cứu "Xây dựng cơ sở dữ liệu Âm nhạc Cung đình Huế." Trên cơ sở tiếp cận với những tài liệu chính sử của triều Nguyễn, gặp gỡ những nghệ nhân, nghệ sỹ hoạt động nghề nghiệp liên quan, hình thành hồ sơ, giới thiệu một cách hệ thống và đầy đủ toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của các loại hình diễn xướng cung đình, cũng như sự nghiệp hoạt động của các nghệ nhân, nghệ sỹ, nhấn mạnh những “ngón nghề” mỗi người đang nắm giữ; đồng thời, hệ thống hóa những bài bản trình tấu bằng ký âm, những trích đoạn tuồng do các nghệ nhân, nghệ sỹ diễn xuất bằng hình ảnh...

Hiện nay, Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế đã tiếp cận với hơn 20 nghệ nhân, nghệ sỹ của các loại hình nghệ thuật Nhã nhạc, Tuồng và Múa cung đình đang sinh sống ở Huế và các vùng phụ cận, hình thành bộ hồ sơ gồm 250 trang viết, giới thiệu về sự nghiệp của nghệ nhân, nghệ sỹ và ký âm các bài bản do họ thể hiện; 67 băng ghi âm, đĩa DVD, với nội dung ghi lại các kỹ thuật trình tấu, những kỹ năng nghề nghiệp của nghệ nhân, nghệ sỹ.

Đáng chú ý, trước khi qua đời, nghệ nhân Trần Kích đã kịp nghiên cứu cách ký âm hoàn chỉnh, góp phần ghi lại được 30 bài, bản về Ðại nhạc và Tiểu nhạc của Nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam). Kế đến phải kể đến hai anh em cụ Lữ Hữu Thi và Lữ Hữu Cử ở làng Thế Lại Thượng, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) nay đã ngoài 100 tuổi, vẫn trực tiếp truyền nghề cho thế hệ sau.

Đây cũng là những người rất hiếm còn lại nhớ rõ 7 bản 'Thài' cổ dùng trong lễ tế Nam Giao. Hai cụ là những nghệ nhân nhã nhạc cuối cùng trong đội nhạc Hòa thanh (đội Tiểu nhạc) thời vua Bảo Ðại, có thể chơi được các loại như đàn nhị, kèn, trống, tam âm, phách tiền, mõ.../.

Quốc Việt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục