Xây dựng Đảng: Sửa đổi quy trình, quy định siết chặt công tác cán bộ

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ với nhiều điểm mới nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên.
Xây dựng Đảng: Sửa đổi quy trình, quy định siết chặt công tác cán bộ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Thế Duyệt/TTXVN)

Với chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng; thực hiện việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ.

Nhân dịp này, ông Hoàng Trọng Hưng, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương đã trao đổi với phóng viên TTXVN một số nội dung nhằm làm rõ hơn mục đích, ý nghĩa Kết luận của Bộ Chính trị.

- Xin ông cho biết lý do Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ?

Ông Hoàng Trọng Hưng: Đảng ta đã chỉ rõ, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Do vậy, phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Từ quan điểm như vậy, thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định, quy chế về cán bộ và công tác cán bộ. Qua đó, góp phần trong xây dựng đội ngũ cán bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn của cách mạng.

Tuy nhiên, đến nay, một số nội dung theo quy định, quy chế còn bất cập. Để khắc phục những tồn tại, bất cập đó, đồng thời xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW, ngày 22/3/2017 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ.

- Những điểm mới đáng lưu ý trong sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ là gì, thưa ông?

Ông Hoàng Trọng Hưng: Kết luận 12-KL/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị có ba điểm mới cơ bản.

Thứ nhất là về thẩm quyền và trách nhiệm trong việc quy hoạch cán bộ. Bộ Chính trị quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan (như Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương) trong việc thẩm định và ký xác nhận quy hoạch đối với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và chức danh ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối trực thuộc Trung ương.

Giao trách nhiệm cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, thẩm định nhân sự quy hoạch chức danh diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Ủy ban kiểm tra các cấp tham gia thẩm định và có kết luận về tiêu chuẩn cán bộ khi xem xét phê duyệt quy hoạch theo phân cấp quản lý cán bộ.

[Tập trung thanh tra công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ]

 

Quy định này sẽ góp phần đảm bảo nhân sự khi đưa vào quy hoạch đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ.

Phân cấp cho các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối trực thuộc Trung ương xem xét, phê duyệt quy hoạch đối với chức danh ủy viên Ban Chấp hành (trước đây do Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt); xác định rõ trách nhiệm của Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy đối với nhân sự đề xuất quy hoạch các chức danh thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tăng cường phân cấp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tránh hình thức trong phê duyệt quy hoạch cán bộ.

Thứ hai là về quy trình giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đối với nguồn nhân sự tại chỗ, trước đây, quy trình giới thiệu nhân sự cơ bản được thực hiện theo 3 bước. Hiện nay, quy định cụ thể thành 5 bước (bổ sung bước 1 và bước 2); thiết lập trình tự các bước rõ ràng, chặt chẽ và khoa học.

Ở bước 1 và bước 2, trước khi giới thiệu nhân sự cụ thể, cấp có thẩm quyền giới thiệu cán bộ bàn bạc, thống nhất về tiêu chuẩn, cơ cấu, quy trình, cách làm... bảo đảm yêu cầu về công bằng, dân chủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch trong công tác nhân sự.

Từ chỗ mở rộng dân chủ trong thảo luận tiêu chuẩn, cơ cấu, quy trình, tạo sự đồng thuận, thống nhất trước khi giới thiệu nhân sự cụ thể, tránh áp đặt ý chí chủ quan, cục bộ, bè cánh...

Thứ ba là về nguyên tắc giới thiệu nhân sự và thời gian các bước trong thực hiện quy trình nhân sự. Quy định nguyên tắc lựa chọn nhân sự trong từng bước của quy trình, bảo đảm chặt chẽ, vừa phát huy dân chủ, vừa đảm bảo sự lãnh đạo tập trung của tập thể, vai trò của người đứng đầu; có cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của cấp có thẩm quyền đối với những nơi chưa có sự thống nhất và còn ý kiến khác nhau về nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.

Quy định cụ thể thời gian thực hiện quy trình nhân sự trong từng bước: Xem xét chủ trương; thực hiện quy trình nhân sự; thẩm định, xét duyệt nhân sự; trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định; ban hành thông báo, quyết định... Qua đó rút ngắn thời gian xem xét nhân sự so với trước đây, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, công khai, minh bạch, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác cán bộ.

- Việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ sẽ có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay khi các cơ quan chức năng đang siết chặt quy trình thực hiện các khâu trong công tác cán bộ, nhất là công tác bổ nhiệm cán bộ, thưa ông?

Ông Hoàng Trọng Hưng: Gần đây, một số nơi có biểu hiện dễ dãi, thiếu chặt chẽ trong đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; có trường hợp cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chưa bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục; số lượng cấp phó nhiều hơn quy định và chưa bám sát quy hoạch cán bộ... dẫn đến những dư luận không tốt.

Để khắc phục tình trạng trên, Ban Bí thư đã chỉ đạo, chấn chỉnh, trong đó, yêu cầu các ban Đảng, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương thực hiện đúng quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ.

Việc đề bạt, bổ nhiệm hoặc đề nghị bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phải chấp hành nghiêm quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, số lượng, độ tuổi...; bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, đồng thời phát huy dân chủ trong công tác cán bộ; thực hiện đúng nguyên tắc, minh bạch và công khai, công tâm, khách quan trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự.

Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ là cơ sở để các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện các nội dung trong công tác quản lý cán bộ, nhất là trong bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục