Xây dựng lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân

Ngày 29/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh bảo hiểm y tế là một bộ phận quan trọng của chính sách tài chính y tế quốc gia.
Sáng 29/6, phát biểu tại Lễ míttinh kỷ niệm Ngày bảo hiểm y tế Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu xây dựng lộ trình để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

Nhấn mạnh bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện và là một bộ phận quan trọng của chính sách tài chính y tế quốc gia, Thủ tướng nhấn mạnh rằng bảo hiểm y tế mang ý nghĩa nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng, tương thân tương thân tương ái sâu sắc.

Chỉ rõ một số tồn tại trong công tác bảo hiểm y tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành y tế, bảo hiểm xã hội cần tập trung khắc phục tình trạng một số đơn vị, tổ chức, đặc biệt là doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm chính sách bảo hiểm y tế cho người lao động; thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn gây không ít phiền hà, bức xúc cho người bệnh.

Thêm vào đó, nhiều vướng mắc tại các địa phương trong việc cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được giải quyết kịp thời; sự phối hợp liên ngành trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế còn chưa tốt.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu bảo hiểm y tế phải thực hiện cho được mục tiêu nhiệm vụ đề ra là tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế; khuyến khích người dân, nhất là người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia bảo hiểm y tế; bảo đảm cho người có bảo hiểm y tế được khám chữa bệnh thuận lợi; có chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, các hộ nghèo.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế và tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tốt hơn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Y tế, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành và các đoàn thể, nhân dân cụ thể hóa lộ trình phát triển bảo hiểm y tế toàn dân và sớm đưa chỉ tiêu số dân tham gia bảo hiểm y tế vào các chiến lược, kế họach phát triển kinh tế-xã hội của Trung ương cũng như các địa phương để phấn đấu thực hiện.

Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế; quan tâm đổi mới công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế; có chính sách khuyến khích phù hợp để người dân, nhất là người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia bảo hiểm y tế đồng thời phải tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế đã đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị công tác thông tin, truyền thông và tuyên truyền về bảo hiểm y tế cần tập trung vào các đối tượng có độ bao phủ bảo hiểm y tế thấp như nông dân, người cận nghèo, học sinh, sinh viên, người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp tư nhân.

Thủ tướng yêu cầu đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là những hành vi lạm dụng hoặc trục lợi bảo hiểm y tế, đồng thời, động viên khen thưởng kịp thời các đơn vị, địa phương và cá nhân thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý ngành y tế phải tổ chức tốt việc cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt chú ý thái độ trong giao tiếp với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh nộp viện phí trực tiếp, gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau 20 năm hoạt động, công tác bảo hiểm y tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh từ 5,6% dân số năm 1993 lên gần 63,74% dân số năm 2011; quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng và bảo đảm; người có công, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế.

Số lượt khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tăng hàng năm; Quỹ bảo hiểm y tế tạo nguồn tài chính công đáng kể cho công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Ngày 14/11/2008, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm Y tế (bảo hiểm y tế), đến ngày 1/7/2009, Luật này có hiệu lực thi hành. Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 1/7 hàng năm là Ngày bảo hiểm y tế Việt Nam./.

Quang Vũ (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục