Xây dựng nếp văn hóa tiêu dùng đối với hàng nội

Phó Thủ tướng yêu cầu tuyên truyền cần thiết thực hơn, xây dựng nếp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam đối với sản phẩm trong nước.
Ngày 7/6 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ trong năm 2011 và các giải pháp đẩy mạnh Cuộc vận động từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp sẽ không thể thiếu Cuộc vận “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”

Cuộc vận động có hiệu quả tích cực, có tác dụng lồng ghép với việc thực hiện Nghị quyết số 11, Nghị quyết số 02 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện tại sản xuất trong nước chưa đáp đáp ứng được nhu cầu trong nước, tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam vẫn cao, trong đó tập trung vào máy móc thiết bị phụ tùng... Trong tình hình hiện nay, tiềm năng cho phát triển ngành sản xuất trong nước là rất lớn, chính vì vậy, khi người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì doanh nghiệp cũng phải chú trọng sản xuất, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.

Phó Thủ tướng bày tỏ nhất trí với những đánh giá về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ trong 5 tháng đầu năm 2011, những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện của Ban Chỉ đạo và các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động trong thời gian tới; trong đó cần chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền về cuộc vận động. Công tác tuyên truyền cần thiết thực hơn, đi vào lòng dân hơn, cần tiến hành lâu dài, bền bỉ bởi đây là Cuộc vận động xây dựng nếp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam đối với sản phẩm trong nước.

Bên cạnh đó, ngoài việc nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ phải nâng cao năng lực sản xuất, tính cạnh tranh của sản phẩm, còn rất cần sự ủng hộ của người dân, của xã hội đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt. Cần xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, có số liệu phân tích cụ thể, có giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém đối với từng ngành hàng, ngoài ra, cần kiểm soát và chỉ đạo quyết liệt đối với công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Các bộ, ngành cần có những chỉ đạo sâu hơn, kỹ hơn đối với từng doanh nghiệp, từng ngành hàng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá cao ý nghĩa và hiệu quả bước đầu của Cuộc vận động, đề xuất nhiều giải pháp nhằm để cuộc vận động ngày càng phát huy hiệu quả.

Các đại biểu cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân về Cuộc vận động, cần chú đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động; làm tốt công tác quản lý thị trường, chăm lo cho sản xuất hàng Việt để tạo đất sống cho hàng Việt và đưa hàng về nông thôn là xây căn cứ địa lâu dài cho hàng Việt.

Báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2011 của Cuộc vận động do Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2011, Ban Chỉ đạo trung ương Cuộc vận động, một số Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo Cuộc vận động một số tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động.

Từ thực tế triển khai tại các đại phương, cơ quan, đơn vị, Ban chỉ đạo các cấp đã kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất với các cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đấy mạnh thực hiện Cuộc vận động, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước.

Công tác tuyên truyền vận động được đổi mới nội dung, đa dạng về hình thức, có tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục