Xây thông tư hướng dẫn về áp dụng bộ luật hình sự

Các nhà chuyên môn sẽ nêu quan điểm để làm rõ 1 số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt tội phạm về chứng khoán.
Chiều 10/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ Luật Hình sự quy định về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính-kế toán, chứng khoán.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết hội thảo được tổ chức để tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, góp phần hoàn thiện Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Tài chính.

Tại hội thảo này các nhà chuyên môn sẽ nêu quan điểm để làm rõ một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán...

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng nhất trí với quy định tại dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn Bộ luật Hình sự các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán do Bộ Tư pháp xây dựng. Theo đó, dự thảo đã xác định rõ yếu tố gây hậu quả nghiêm trọng để xử lý hình sự trong lĩnh vực chứng khoán là các hậu quả phi vật chất như gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu đến sự công bằng, công khai, minh bạch và an toàn của thị trường chứng khoán; hậu quả về vật chất chỉ được coi là yếu tố định tội khi hậu quả đó có thể xác định được trên thực tế.

Trên cơ sở nghiên cứu dự thảo, Ủy ban chứng khoán Nhà nước kiến nghị quy định mức thu lợi bất chính lớn đối với tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a Bộ luật Hình sự) là từ 1 tỷ đồng trở lên.

Đối với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, quy định mức thu lợi bất chính và gây hậu quả nghiêm trọng bằng tiền từ 2 tỷ đồng trở lên; mức thu lời bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn là từ 3 tỷ đồng trở lên.

Còn với tội thao túng giá chứng khoán, quy định mức thu lợi bất chính lớn và gây hậu quả nghiêm trọng bằng tiền là từ 2 tỷ đồng trở lên; gây hậu quả rất nghiêm trọng bằng tiền từ 3 tỷ đồng trở lên.

Theo ông Trần Thanh (Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an) để xây dựng các tiêu chí có tính định lượng để xác định các mức độ thu lợi bất chính trong các tội phạm về chứng khoán cần xem xét, cân nhắc để đảm bảo việc xử lý tội phạm về chứng khoán vừa có sự phù hợp với các tội khác trong cùng Chương XVI- Bộ luật Hình sự (Các tội xâm phạm trật tự quả lý kinh tế) đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong xử lý tội phạm đã được quy định tại Điều 3- Bộ luật Hình sự, vừa đảm bảo được yêu cầu phù hợp với thực tiễn vi phạm trong lĩnh vực tài chính chứng khoán.

Góp ý vào Điều 4 dự thảo Thông tư về tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a Bộ luật Hình sự), Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt Nhữ Đình Hòa khẳng định các thông tin được công ty chứng khoán sử dụng để đưa ra các phân tích, nhận định trong các hồ sơ chào bán chứng khoán, hồ sơ niêm yết, hồ sơ bảo lãnh phát hành gửi các cơ quan có thẩm quyền để xin cấp phép cũng như cung cấp các thông tin ra bên ngoài cho các cổ đông, nhà đầu tư được biết đều là do tổ chức phát hành, tổ chức niên yết, tức là chính các công ty có nhu cầu sử dụng dịch vụ cung cấp cho công ty chứng khoán.

Ông Hòa đề xuất ban soạn thảo xem xét lại các quy định về hành vi phạm tội nêu trên, loại bỏ các hành vi của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán khi cung cấp các dịch vụ kinh doanh chứng khoán cho các tổ chức, công ty./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục