Xây trụ sở nghìn tỷ: "Kiên quyết cắt các khoản chi chưa cấp bách"

Đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, cần kiên quyết cắt giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết, cấp bách, lãng phí, kém hiệu quả như xây dựng trụ sở, tượng đài, mua sắm ôtô...
Xây trụ sở nghìn tỷ: "Kiên quyết cắt các khoản chi chưa cấp bách" ảnh 1Đại biểu Bùi Đức Thụ: "Đầu tư nhà nước phải thật sự đóng vai trò thúc đầy kinh tế phát triển." (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Gần đây, dư luận rất quan tâm về việc Thành phố Hải Phòng trình Thủ tướng đề án xây dựng trung tâm hành chính-chính trị của thành phố với tổng giá trị đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng, trong đó có 7.000 tỷ đồng là tiền ngân sách.

Bên hành lang Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, Đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

- Thưa Đại biểu Bùi Đức Thụ, có nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư nghìn tỷ để xây trụ sở là không cần thiết, trong bối cảnh đất nước đang chịu áp lực nợ công và bội chi ngân sách. Ông nghĩ gì về việc này?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Nghị quyết của Quốc hội trong những năm gần đây và đặc biệt là dự thảo trong năm 2016 sẽ trình Quốc hội thông qua kiên quyết thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết, cấp bách, lãng phí, kém hiệu quả như xây dựng trụ sở, tượng đài, mua sắm ôtô, quản lý sử dụng xe công...

Gần đây, một số tỉnh có đề án xây dựng trụ sở, trung tâm hành chính lớn. Phải nói rằng, các dự án lên tới vài nghìn tỷ đồng nhưng đó là tổng hợp nhiều yếu tố cấu thành như cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, xây dựng trung tâm hành chính…

Tuy nhiên, tôi cho rằng, hơn lúc nào hết, trong bối cảnh kinh tế tài chính ngân sách như hiện nay, cần phải quán triệt tinh thần tiết kiệm. Nhu cầu đầu tư là rất lớn, song phải sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, trực tiếp liên quan tới đời sống nhân dân, còn lại mới đầu tư lĩnh vực khác.

Các dự án đầu tư xây dựng trung tâm hành chính theo phân cấp thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương căn cứ vào phân cấp ngân sách để bố trí nguồn. Nhưng một số tỉnh ngân sách địa phương chỉ có một phần, còn phần lớn là xin trợ cấp từ ngân sách Trung ương. Trong điều kiện như vậy, tôi đề nghị phải xem xét một cách thận trọng. Mặc dù dự án do địa phương lập và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thế nhưng sự chấp thuận của Thủ tướng là chấp thuận về chủ trương đầu tư dài hạn.

Ví dụ, dự án của Hải Phòng đã duyệt cách đây 6 năm và chủ trương đầu tư cho đến 2020, tầm nhìn 2030 do đó không có nghĩa phải làm ngay. Về chủ trương, tôi cho là đúng nhưng thời điểm phải xem lại bởi trong bối cảnh hiện nay cũng như vài năm tới, áp lực nợ công, bội chi lớn…

Xây trụ sở nghìn tỷ: "Kiên quyết cắt các khoản chi chưa cấp bách" ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)

- Có địa phương cho rằng trụ sở đã xuống cấp và họ có thể bán đất, đổi đất để thu xếp nguồn vốn. Ông có thấy lý do này thuyết phục không?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Theo Luật đầu tư công và trước đó Chính phủ đã ban hành Chỉ thị quy định khi khởi công dự án mới phải có nguồn vốn đảm bảo. Việc một số địa phương quyết định đầu tư trung tâm hành chính là có nguồn vốn đảm bảo nhưng đó chỉ là một điều kiện. Cái quan trọng để triển khai dự án không chỉ nguồn vốn mà hơn lúc nào hết phải căn cứ hiệu quả và tính cấp bách của vấn đề.

Nước ta còn kém phát triển, cơ sở hạ tầng thấp kém nên nhu cầu đầu tư lớn. Trong bối cảnh đó, nguồn lực tài chính của chúng ta lại hạn chế và đặc biệt nợ công cao và bội chi ngân sách lớn nên tôi cho rằng cần sắp xếp thứ tự ưu tiên.

Hơn lúc nào hết, ưu tiên số 1 đầu tư của nhà nước phải là nguồn vốn "mồi" để thu hút nguồn vốn trong xã hội. Và đầu tư nhà nước phải thật sự đóng vai trò thúc đầy kinh tế phát triển, từ đó đời sống người dân được cải thiện, ngân sách được cải thiện. Những vấn đề đó cần ưu tiên xếp vị trí thích đáng, còn các vấn đề khác tuy cần thiết nhưng phải cân nhắc thời điểm đầu tư để có lộ trình phù hợp.

- Nhiều đại biểu có ý kiến đề nghị Chính phủ có tổng kết, báo cáo Quốc hội về việc đầu tư xây dựng trụ sở hành chính nghìn tỷ đồng. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Trong bối cảnh cân đối ngân sách khó khăn, nợ công cao, an ninh tài chính bị đe dọa thì hơn lúc nào hết phải thực hiện chính sách tài khóa tiết kiệm. Vấn đề phải tổng kết thì rõ rồi, các đại biểu thấy rõ vấn đề là phải làm và quyết liệt hơn và xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu trong việc tổ chức thực thi.

Mấy năm gần đây, việc hạn chế dự án dầu tư chưa cấp bách đã được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội, thể chế hóa trong Luật đầu tư công. Vấn đề còn lại là thực hiện, trách nhiệm của người đứng đầu…

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục