Xem xét "tước" quyền khai thác mỏ nếu doanh nghiệp nợ đọng thuế, phí

Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét việc thu hồi Giấy phép khai thác mỏ nếu doanh nghiệp cố tình nợ đọng thuế, phí.
Xem xét "tước" quyền khai thác mỏ nếu doanh nghiệp nợ đọng thuế, phí ảnh 1Khai thác khoáng sản hủy hoại môi trường. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Những năm gần đây, việc cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản tràn lan, cùng với sự buông lỏng trong công tác quản lý tại một số địa phương đã tạo kẽ hở cho không ít doanh nghiệp “ăn hớt” tài nguyên, khai thác bừa bãi. Thực trạng này không chỉ làm thất thoát, lãng phí nguồn thu thuế tài nguyên của quốc gia vốn không thể tái tạo, mà còn gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về thực trạng nêu trên, ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng Cục trưởng Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2016, cả nước có khoảng trên 550 Giấy phép khai thác mỏ (cho 48 loại khoáng sản khác nhau), thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang còn thời hạn.

Tuy nhiên, “trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây, cùng với tình hình suy thoái kinh tế, thị trường khoáng sản trên thế giới và khu vực sụt giảm, giá khoáng sản xuống thấp, thậm chí thấp hơn nhiều lần so với trước đó. Mặt khác, từ năm 2014, muốn khai thai thác, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản (kể cả các doanh nghiệp đã cấp phép trước đó) phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.”

“Thực trạng này đã dẫn tới khá nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản rơi vào tình trạng thua lỗ liên tục; không tính đến việc doanh nghiệp cố tình, thì đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới một số doanh nghiệp đã chây ì, nợ đọng thuế, phí kéo dài, một số doanh nghiệp đã dừng hoạt động như báo chí đã phản ánh,” ông Thanh nhìn nhận.

[Chuyên gia nói gì về chi phí "bôi trơn" của doanh nghiệp khoáng sản]

Để chấn chỉnh thực trạng trên, ông Thanh cho biết, Luật khoáng sản năm 2010 cũng đã quy định các trường hợp doanh nghiệp khai thác khoáng sản vi phạm sẽ bị thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ về thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, sau 90 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra thông báo mà vẫn không khắc phục vi phạm thì sẽ bị thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản.

Trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản thì phải thực hiện nghĩa vụ lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép phê duyệt để thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường mỏ và ban hành quyết định đóng cửa mỏ theo quy định.

Đối với các doanh nghiệp đã hết thời hạn khai thác, ông Thanh nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp không có nhu cầu gia hạn giấy phép hoặc không đủ điều kiện để gia hạn giấy phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ yêu cầu doanh nghiệp dừng khai thác, lập Đề án đóng cửa mỏ trình Bộ phê duyệt để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trước khi ban hành quyết định đóng cửa mỏ theo quy định.

“Với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về khoáng sản, sau khi đã được cơ quan chuyên môn thanh tra, kiểm tra, tùy mức độ vi phạm sẽ yêu cầu khắc phục vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Thậm chí, Bộ sẽ xem xét việc thu hồi Giấy phép khai thác nếu doanh nghiệp đó vi phạm các quy định về thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản,” ông Thanh nói thêm../.

[“Doanh nghiệp xù nợ thuế, không trả mỏ, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi"]

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục