Xét tuyển đại học đợt 1: "Có những việc chưa lường hết được"

Đánh giá cao những quyết tâm đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học nhưng người phát ngôn của Chính phủ cũng thừa nhận "có những việc chưa lường hết được."
Xét tuyển đại học đợt 1: "Có những việc chưa lường hết được" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Phạm Mai/Vietnam+)

Đánh giá cao những quyết tâm đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học nhưng người phát ngôn của Chính phủ cũng thừa nhận "có những việc chưa lường hết được."

Đưa ra quan điểm trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức tối 1/9, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp vừa qua đã khắc phục được nhiều vấn đề trước đó.

"Chúng ta đã tổ chức kỳ thi giúp hạn chế chi phí xã hội đáng kể, giúp giảm phiền hà. Chính phủ đánh giá cao những kết quả trên," Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, cũng chính Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, do việc thực hiện chủ trương đổi mới có những việc chưa lường hết khiến một số khâu kỹ thuật chưa được như ý.

Vấn đề này cũng được bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói cụ thể với những thừa nhận về sự thiếu đồng nhất. Theo bà, việc đồng thời cho đăng ký 4 chỉ tiêu cũng như cho phép thay đổi chỉ tiêu không hạn chế trong thời gian dài lên tới 20 ngày đã gây sự mệt mỏi cho thí sinh và các gia đình.

Tuy vậy, theo bà, những vấn đề kỹ thuật trên đã được ngành giáo dục chỉ đạo khắc phục ngay trong kỳ xét tuyển đại học đợt 2. Một số giải pháp được bà Phụng nhắc tới như thời gian xét tuyển đã được rút ngắn lại trong 10 ngày và trong các đợt xét nguyện vọng bổ sung, thí sinh không thay đổi nguyện vọng như trong đợt 1.

"Ngoài ra, thí sinh có thể dùng phiếu đăng ký xét tuyển thay hồ sơ và không cần tới tận trường nộp. Thí sinh có thể dùng phiếu đăng ký nộp qua Sở giáo dục địa phương, qua trường trung học phổ thông, qua bưu điện," đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.

Cũng theo bà Phụng, thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm giúp kỳ thi sau gọn nhẹ và giảm phiền hà cho các thí sinh và gia đình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục