Xét xử vụ người mẫu Ngọc Thúy kiện báo Đời sống và Pháp luật

Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự do nguyên đơn là bà Phạm Thị Ngọc Thúy (tức người mẫu Ngọc Thúy) khởi kiện bị đơn là báo Đời sống và Pháp luật.

Trong hai ngày 9-10/12, Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự do nguyên đơn là bà Phạm Thị Ngọc Thúy (tức người mẫu Ngọc Thúy) khởi kiện bị đơn là báo Đời sống và Pháp luật về nội dung một bài báo mà bà Thúy cho rằng thiếu chính xác, không có cơ sở.

Nguyên đơn Phạm Thị Ngọc Thúy không có mặt tại Tòa, ủy quyền cho đại diện theo pháp luật và luật sư tham gia phiên xử.

Trước đó, ngày 11/12/2013, báo Đời sống và Pháp luật (trụ sở tại tầng 4, Tòa tháp Ngôi Sao, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đăng bài viết “Siêu mẫu Ngọc Thúy chửi mắng, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà” trên trang web doisongphapluat.com.

Nội dung bài viết nói về việc bà Ngọc Thúy cặp kè với người nổi tiếng, không chăm sóc con cái, dùng chất gây nghiện, đuổi mắng cha mẹ...

Sau khi Báo Đời sống và Pháp luật đăng tải, có khoảng 10 tờ báo điện tử đăng tải lại bài báo này. Nguyên đơn đã hai lần gửi đơn khiếu nại đến tờ báo nhưng tới lần thứ hai, phía báo mới có phúc đáp. Tuy nhiên, báo không rút bài và tiếp tục có những bài viết khác. Vì vậy, bà Ngọc Thúy đã khởi kiện báo Đời sống và Pháp luật ra Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy.

Theo đơn khởi kiện của bà Phạm Thị Ngọc Thúy, tiêu đề và nội dung bài báo “Siêu mẫu Ngọc Thúy chửi mắng, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà” là thiếu chính xác, không có cơ sở, bị thổi phồng, bóp méo làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của bà.

Bà Thúy cho rằng, nội dung trong bài báo ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân bà nhưng đã không được xác minh, kiểm chứng thông tin, tờ báo viết phải là những gì có thật, được thu thập đúng pháp luật chứ không phải chỉ là lời trình bày, phát biểu của một ai đó...

Tại đơn khởi kiện, siêu mẫu Ngọc Thúy đã yêu cầu báo Đời sống và Pháp luật phải gỡ bỏ bài viết nói trên, phải đăng bài cải chính; đồng thời, bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần số tiền tượng trưng 1 triệu đồng.

Tại tòa, nguyên đơn đưa ra các chứng cứ bác bỏ các tình tiết viết trong bài báo. Các chứng cứ bao gồm báo cáo, kết luận của Sở Dịch vụ gia đình và trẻ em - Cơ quan an sinh xã hội quận Santa Clara, California và báo cáo của Sở Cảnh sát San Jose, quận Santa Clara, bang California (Mỹ).

Các báo cáo thể hiện các đứa trẻ con bà Ngọc Thúy đều mạnh khỏe và được chăm sóc chu đáo bởi bố mẹ; không có nguy cơ bị bỏ bê và không có dấu hiệu về việc cha mẹ sử dụng ma túy. Bản thân bà Thúy không gọi cảnh sát đuổi bố mẹ ra khỏi nhà khi ông bà sang Hoa Kỳ thăm con gái.

Có mặt tại tòa, đại diện báo Pháp luật và Đời sống trình bày ông bà Phạm Ngọc Tảo, Trương Thị Bê (bố mẹ ruột của bà Ngọc Thúy) là hai người cung cấp thông tin liên quan đến nội dung bài viết nên đề nghị Tòa án đưa họ tham gia tố tụng với tư cách người liên quan. Đề cập đến nội dung bài viết, đại diện báo khẳng định nội dung đăng tải là chính xác.

Ông Tảo, bà Bê cũng đã có đơn xác nhận nội dung bài viết của báo đúng với những gì họ trả lời phỏng vấn của phóng viên.

Khi bà Ngọc Thúy gửi đơn khiếu nại, phía báo Pháp luật và Đời sống có phúc đáp đó là bài phỏng vấn bà Bê. Tòa soạn báo đã kiểm tra thông tin cho thấy toàn bộ nội dung cuộc nói chuyện không sai.

Phóng viên viết bài cũng đã nhiều lần làm việc xác minh lại phía gia đình bà Bê và đều được vợ chồng ông bà Bê khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật với những thông tin cung cấp cho phóng viên viết bài báo trên.

Trên thực tế, phía gia đình bà Bê cũng đã cung cấp cho người viết chứng cứ là hóa đơn thuê khách sạn khi bị con gái đuổi ra khỏi nhà. Bản thân ông Phạm Ngọc Trung, em trai bà Ngọc Thúy, có mặt tại tòa với tư cách nhân chứng, cũng khẳng định nội dung bài báo đăng tải hoàn toàn chính xác với những gì bố mẹ ông chia sẻ.

Đại diện báo Pháp luật và Đời sống trình bày: “Mục đích, động cơ đăng tải bài báo trên là hoàn toàn không có. Chúng tôi chỉ muốn nêu nên hành vi vi phạm phong tục, đạo đức gia đình, xã hội.”

Khi nhận được đơn của bà Thúy, báo không nhận được bất cứ tài liệu nào chứng minh bài viết không đúng sự thật. Đại diện báo đề nghị Tòa bác đơn khởi kiện của người mẫu Ngọc Thúy.

Sau một ngày nghị án, chiều 10/12, Tòa nhận định tại thời điểm phóng viên viết bài đang trong thời kỳ ký hợp đồng lao động chưa được cấp thẻ nhà báo. Tuy nhiên, phóng viên này đã tự liên hệ đến gia đình bà Bê để tìm hiểu thông tin viết bài.

Gia đình bà Bê đã đồng ý để phóng viên này viết bài. Nội dung đăng tải giống với cuộc nói chuyện. Tít bài đã được tòa soạn sửa.

Tòa cho rằng, quy trình tác nghiệp của phóng viên chưa phù hợp với pháp luật khi thực hiện các bước trên. Việc đăng tải bài báo trên là chưa đúng với quy định. Phía báo chưa thẩm tra, xác minh, chưa hỏi lại bà Ngọc Thúy. Bài báo làm ảnh hưởng đến tinh thần của nguyên đơn. Vì vậy, báo Pháp luật và Đời sống phải chịu trách nhiệm về việc đăng tải.

Trên cơ sở đó, Tòa đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Báo Pháp luật và Đời sống có trách nhiệm xóa thông tin bài viết trên trang báo, cải chính thông tin và xin lỗi bà Ngọc Thúy ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, báo Pháp luật và Đời sống còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bà Ngọc Thúy một triệu đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục