Xóa đói nghèo là mục tiêu của chương trình nghị sự phát triển mới

Liên hợp quốc đã đạt đồng thuận về chương trình nghị sự phát triển bền vững mới - kế hoạch hành động để chấm dứt đói nghèo trong mọi trường hợp, tại mọi nơi và cho mọi người.
Xóa đói nghèo là mục tiêu của chương trình nghị sự phát triển mới ảnh 1Trẻ em Afghanistan đẩy xe đi bán rau tại thủ đô Kabul. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong buổi họp báo ngày 3/8, Liên hợp quốc đã công bố thỏa thuận đạt được vào ngày 2/8 giữa 193 quốc gia thành viên về chương trình nghị sự phát triển bền vững mới.

Chương trình này sẽ được lãnh đạo các nước thành viên thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững tại New York vào tháng Chín.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon chúc mừng thỏa thuận đạt được, đồng thời nhấn mạnh “việc đạt được sự đồng thuận báo hiệu một mốc son lịch sử của thế giới, là kế hoạch hành động để chấm dứt đói nghèo trong mọi trường hợp, tại mọi nơi và cho mọi người."

Với kết quả đạt được, Hội nghị thượng đỉnh vào tháng Chín "sẽ vạch ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển bền vững, trong đó đói nghèo sẽ được xóa bỏ, sự thịnh vượng được chia sẻ và các nguyên nhân cốt lõi làm thay đổi khí hậu sẽ được giải quyết."

Chương trình nghị sự phát triển bền vững mới được xây dựng dựa trên sự thành công của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, trong đó hơn 700 triệu người thoát khỏi đói nghèo thông qua việc thực hiện tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, được thông qua vào năm 2000, nhằm vào một loạt các vấn đề bao gồm giảm đói, nghèo, bệnh tật, bất bình đẳng giới, tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường đến năm 2015.

Thỏa thuận mới đạt được nhấn mạnh, xóa đói nghèo là mục tiêu bao quát của chương trình nghị sự phát triển mới. Cốt lõi của chương trình là sự hội nhập trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của sự phát triển bền vững. Chương trình đòi hỏi sự tham gia hành động của tất cả các quốc gia.

Các nước thành viên cam kết sẽ đồng hành thực hiện chương trình, không bỏ rơi bất kỳ quốc gia nào lại phía sau. Phạm vi của chương trình nghị sự được đặt tên là “5P” gồm con người, hành tinh, thịnh vượng, hòa bình và đối tác.

Chương trình nghị sự mới đặt ra 17 mục tiêu bền vững và 169 chỉ tiêu nhằm giải quyết các rào cản chính, mang tính hệ thống đối với sự phát triển bền vững như sự bất bình đẳng, không ổn định giữa tiêu dùng và sản xuất, thiếu cơ sở hạ tầng và việc làm phù hợp. Dưới góc độ môi trường, các mục tiêu của sự phát triển bền vững trong chương trình nghị sự mới sẽ bao trùm các mục tiêu phát triển bền vững của các đại dương, các nguồn tài nguyên biển, các hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học.

Để thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng của chương trình, thỏa thuận đề cập tới các phương tiện thực hiện trong đó tập trung vào vấn đề tài chính, công nghệ và phát triển năng lực. Bên cạnh các phương tiện thực hiện chương trình mới nói chung, các phương tiện cụ thể cũng được thiết kế riêng cho từng mục tiêu phát triển bền vững.

Việc đạt thỏa thuận là động lực quan trọng cho các cuộc đàm phán sau năm 2015, đồng thời tạo đà cho các cuộc đàm phán về một hiệp ước ràng buộc về biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về khí hậu tại Paris vào cuối năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục