Xóa sổ bến Lương Yên: Nhà xe lo “lôi kéo” khách về bến mới

Các đơn vị vận tải đều tỏ ra lo lắng vì sẽ phải mất một thời gian để lôi kéo khách về các bến mới với lộ trình tuyến bị thay đổi sau khi bến xe Lương Yên bị xóa sổ.
Xóa sổ bến Lương Yên: Nhà xe lo “lôi kéo” khách về bến mới ảnh 1Xe khách tại bến Lương Yên sẽ được điều chuyển về bến xe Gia Lâm, Nước Ngầm và Yên Nghĩa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trước ngày bến xe Lương Yên bị xóa sổ (từ ngày 27/7), đại diện lãnh đạo các bến xe Nước Ngầm, Gia Lâm, Yên Nghĩa còn đủ điều kiện tiếp nhận đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị để đón các doanh nghiệp vận tải phải di dời.

Tuy nhiên, phía các đơn vị vận tải đều tỏ ra lo lắng khi cho rằng, sẽ phải mất một thời gian để lôi kéo khách về các bến mới với lộ trình tuyến bị thay đổi và e ngại có khả năng các đối tượng “đầu gấu”, “bảo kê”, xe ôm, xe taxi, bốc xếp, hàng rong... sẽ đi theo và tràn về các bến xe.

Sẵn sàng trước “giờ G”

Theo đại diện Phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), các bến xe tiếp nhận đã hoàn thành công tác chuẩn bị mặt bằng, tổ chức giao thông, thông báo đến các đơn vị kinh doanh vận tải và tổ chức họp để phổ biến về biểu đồ chạy xe, nội quy khai thác tuyến đồng thời tiến hành ký hợp đồng với doanh nghiệp vận tải được “bốc” từ bến Lương Yên về các bến khác.

Theo kết quả sắp xếp của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, có 38 tuyến xe của 52 doanh nghiệp đang khai thác tại bến Lương Yên được điều chuyển về 3 bến xe nêu trên. Cụ thể, bến xe Nước Ngầm tiếp nhận 162 lượt xe/ngày; bến xe Gia Lâm tiếp nhận tổng số 133 lượt xe/ngày; lượng xe về bến xe Yên Nghĩa là 51 lượt xe/ngày.

Là đơn vị tiếp nhận nhiều nhất lượng xe điều chuyển từ Lương Yên, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho hay, hiện nay, mọi công tác sắp xếp vị trí sân đỗ xe, luồng tuyến, quầy bán vé đã được đơn vị khai thác bến hoàn tất và sẵn sàng đón các “tân binh” nhà xe về chạy.

“Để tạo điều kiện cho hành khách làm quen với lịch trình mới, bến Nước Ngầm ưu tiên cho những đơn vị mới về xếp xe ngay trước cửa kiểm soát vé để khách nhận biết nhà xe và lộ trình tuyến,” ông Lập khẳng định.

Ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc bến xe Gia Lâm cho biết, theo kế hoạch điều chuyển của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, bến xe Gia Lâm sẽ tiếp nhận các tuyến Thái Bình 60 chuyến/ngày, Quảng Ninh 67 chuyến/ngày và một số tuyến khác. Như vậy, tổng số là 133 chuyến/ngày.

“Hiện tại, tổng số chuyến bình quân thực tế hoạt động trong ngày 610 chuyến/ngày. Nếu tăng thêm 133 chuyến sẽ nâng tổng số xe suất bến là hơn 740 chuyến/ngày và vào giờ cao điểm có khả năng bị ùn tắc cuối bến,” ông Trúc đánh giá.

Theo vị lãnh đạo bến xe Gia Lâm, phương án tiếp nhận với mục tiêu bến phải tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được điều chuyển về, nhanh chóng ổn định hoạt động của các doanh nghiệp và việc đi lại của hành khách; hạn chế tối đa sự cạnh tranh không lành mạnh, gây mất trật tự; bến bố trí vị trí xe đỗ xe xếp khách và quầy bán vé cho các tuyến chuyến về.

Để giảm tải trong sân bến, bến xe Gia Lâm đã làm việc với một số doanh nghiệp vận tải có tần suất xe chạy nhiều và yêu cầu điều chỉnh biểu đồ tác nghiệp chạy xe, quy định tối đa số lượng xe có mặt tại một thời điểm trong sân bến, tránh trường hợp xe về lưu đỗ quá lâu trên bến.

Tuy nhiên, ông Trúc cũng thừa nhận, khi đóng cửa bến xe Lương Yên ngày 27/7 tới, có khả năng các đối tượng hình sự, “đầu gấu”, “bảo kê”, xe ôm, xe taxi, bốc xếp, hàng rong... sẽ đi theo và tràn về bến xe Gia Lâm. Một số thói quen chấp hành Luật giao thông của lái, phụ xe hoạt động tại bến xe Lương Yên chưa cao có thể sẽ được thể hiện ở bến Gia Lâm.

Để đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông tại bến xe Gia Lâm, bến sẽ phối hợp với Công an phường Gia Thụy, lực lượng cảnh sát hình sự, các đơn vị phụ trách địa bàn kịp thời phát hiện xử lý, triệt tiêu các đối tượng “bảo kê”, “đầu gấu”, trộm cắp, xử lý các lái xe không có thẻ hoạt động, ra ngoài đường để "câu khách", xử lý các xe dừng đỗ sai quy định, mở cửa đón khách ở các tuyến đường khu vực xung quanh bến…

Nhà xe lo “kéo” khách

Tại cuộc tiếp xúc giữa bến xe với các doanh nghiệp vận tải về bến mới, đại diện các đơn vị vận tải hoàn toàn ủng hộ chủ trương di dời bến xe Lương Yên của thành phố Hà Nội và sẵn sàng di chuyển sang bến xe khác. Đa số các doanh nghiệp vận tải bày tỏ sự lo lắng khi phải “lôi kéo” hành khách về bến mới và đánh giá thời gian đầu có thể khó khăn cho hành khách, nhưng lâu dần sẽ tạo thói quen.

Ông Vũ Đức Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn vận tải Hoàng Long cho biết, sáng qua (25/7), đơn vị đã chuyển một số phương tiện từ bến Lương Yên về Nước Ngầm.

“Một số xe chạy tuyến lộ trình mới bến xe Nước Ngầm-bến xe Niệm Nghĩa, nhưng dù đã chờ tới 1 giờ 25 phút xe cũng chỉ có 15 người/xe 45 chỗ ngồi. Lượng khách đi bến Nước Ngầm chưa nhiều có thể là do khách chưa quen đi lại với lộ trình mới này,” ông Hoàng nói.

[Điều chuyển luồng tuyến vận tải: Chưa doanh nghiệp nào phá sản]

Đại diện doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Xuân Trường (Nam Định) cho rằng, nhà xe chuyển về bến Nước Ngầm đồng nghĩa với việc khai thác tuyến mới. Thực tế, các xe chạy về Xuân Trường chủ yếu từ bến Giáp Bát, Mỹ Đình do đó phải tìm cách “lôi kéo” khách cũ ở bến Lương Yên về Nước Ngầm thì nhà xe mới hoạt động kinh doanh ổn định.

“Khách vào bến mua vé là thói quen đối với những doanh nghiệp đã khai thác tại bến Nước Ngầm. Tuy nhiên, với những tuyến mới, lượng xe ít, gặp khó khăn nên chưa có khả năng thuê quầy bán vé, do đó đề nghị bến nghiên cứu cho khách đi thẳng ra xe mà không phải kiểm soát vé,” đại diện doanh nghiệp Nam Định kiến nghị.

Trả lời vấn đề này, lãnh đạo bến xe Nước Ngầm cho rằng, đối với các tuyến không có xe cạnh tranh về tuyến chung, đơn vị khai thác bến sẽ tạo điều kiện bước đầu cho hành khách đi thẳng vào xe, nhưng sau đó phía doanh nghiệp vận tải phải tuyên truyền cho người dân vào bến mua vé để tạo thói quen đi lại.

Xóa sổ bến Lương Yên: Nhà xe lo “lôi kéo” khách về bến mới ảnh 2Bến xe Lương Yên sẽ dừng hoạt động trước ngày 27/7 tới. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải cũng kiến nghị bến xe Nước Ngầm chấp thuận cho nhà xe sử dụng những vé đã in trước đây từ bến Lương Yên bởi chi phí in vé và chưa kịp xoay sở in vé cho lộ trình điều chuyển bến mới này với điều kiện khi xe xuất tại bến xe Nước Ngầm, đơn vị khai thác bến chỉ cần đóng dấu xác nhận để quản lý và báo cáo với cơ quan Nhà nước về lộ trình xe chạy.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vận tải cùng nhìn nhận, các bến xe phải đề nghị Hà Nội nâng tần suất các xe buýt chạy qua hoặc vào bến hay có thêm xe trung chuyển (xe hợp đồng) để kết nối hành khách và các bến xe khác, thậm chí đơn vị bến cần đầu tư loại phương tiện này để doanh nghiệp thuê lại nhằm đưa khách về bến nhiều hơn và đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ người dân.

Thừa nhận việc điều chuyển luồng tuyến giữa các bến sẽ gây khó khăn cho việc đi lại của hành khách, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội bày tỏ sự lo lắng khi các tuyến buýt chưa kịp điều chỉnh về bến thì nhà xe đã “đặt chân” vào trước.

“Các tuyến xe buýt lẽ ra phải được điều chỉnh lộ trình trước điều chuyển vận tải để kết nối khách từ bến cũ sang bến mới vì thói quen đi lại của hành khách. Trong điều kiện xe trung chuyển đang bị ‘siết’ chặt về cấp phù hiệu thì nhu cầu đi lại của người dân sẽ gặp nhiều thách thức,” ông Liên nhìn nhận.

Khẳng định bến xe và doanh nghiệp vận tải là đối tác song hành, cùng nhau “ghé vai” để thu hút hành khách bởi khách về bến nhiều thì sẽ thu hút được doanh nghiệp và ngược lại, Giám đốc bến xe Nước Ngầm khẳng định, bến sẽ hỗ trợ doanh nghiệp mới về qua các khoản thu (lệ phí ra vào bến, các dịch vụ hỗ trợ vận tải) bằng cách miễn phí tháng đầu tiên, giảm 50% tháng thứ hai và tháng tiếp theo tiến tới thu đầy đủ. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì có thể kiến nghị lên bến để có những phương án hỗ trợ, chia sẻ, từng bước tháo gỡ khó khăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục