Xóm bệnh nghèo phấp phỏng ngóng dịp Tết về

"Năm nay tôi nhất quyết về quê hai ngày, để được thắp cho ông bà tổ tiên một nén nhang," người đàn bà gầy gò tuổi ngoài 60 quả quyết.
Căn phòng trọ của bà Trần Thị Hòa mấy ngày gió về cứ run lên bần bật vì cái lạnh cắt da cắt thịt. Đã có thâm niên 4 năm cư trú tại xóm chạy thận (ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hà Nội), bà Hòa ngày ngày vẫn phải vừa chữa trị vừa lê la khắp nơi gom từng đồng ve chai lo viện phí. “Năm nay tôi nhất quyết sẽ về quê hai ngày, để được thắp cho ông bà tổ tiên một nén nhang,” người đàn bà gầy gò tuổi ngoài 60 quả quyết.

Không chỉ riêng bà Hòa, phần lớn cư dân xóm bệnh nghèo cũng đang thấp thỏm ngóng chờ Tết về.

Háo hức ngày về

Dãy trọ của người chủ tên Hiện có 13 phòng cho thuê, chủ yếu là bệnh nhân chạy thận nhưng từ lâu nó cũng chẳng được sửa sang, nâng cấp. Bởi, có sửa sang thì cũng chẳng ai có tiền mà chi trả thêm. Vì thế nhiều năm nay cả xóm cứ ọp ẹp, ẩm thấp và tạm bợ đến thắt lòng.

Nhớ lại ngày đầu lên thành phố chữa bệnh, bà Hòa bảo, ấy là khi trời cũng lạnh cóng như bây giờ. Hai vợ chồng kéo theo cái ba lô vá chằng vá đụp đã lê la cả ngày trời mới được người ta mách cho xóm những người cùng cảnh này.

Năm ấy Tết về, hai vợ chồng bà vẫn xăng xái bắt xe khách về quê. Nhưng rồi, ở nhà chưa đầy hai ngày thì máu mũi ông Mã, chồng bà, lại hộc ra không cầm được. Hai vợ chồng già tá hỏa lại đưa nhau lên Hà Nội. Năm ấy coi như cả nhà mất trắng cái Tết.

Thế rồi, thời gian lại cuốn phăng hai vợ chồng bà Hòa đi với nỗi lo kiếm cơm từng bữa. Hàng ngày, bà lão vẫn lọ mọ đi gom ve chai ở khắp ngõ ngách mấy khu gần nhà. Hôm nào có thêm việc, bà lại nhận dọn nhà cho mấy khách bà gặp trong bệnh viện.

“Chẳng mấy chốc đã 4 năm chẳng có cái Tết quê. Năm nay hai vợ chồng bảo nhau cố truyền chai đạm cho ông nhà trước khi về. Qua mùng 1, hai vợ chồng lại lên,” bà Hòa bùi ngùi.

Bà Hòa bảo, thời gian này ông lão thấy khỏe lên, hai vợ chồng bà cũng mừng mừng tủi tủi vì lâu lắm rồi mới lại có cơ hội về thăm nhà.

Bà tính, hai vợ chồng bà chỉ cần 2, 3 cân thịt với ít gạo nếp là đã có một cái Tết ngon lành rồi. “Bệnh tình của ông nó thế, muốn mua nhiều cũng chẳng được. Mừng nhất là hai vợ chồng được ăn Tết ở quê thôi,” bà Hòa thành thật.

Thấy người hàng xóm háo hức ngày về quê, người phụ nữ tên Mai nhà đối diện cũng chẳng giấu được niềm vui.

Gần 5 năm chạy thận cũng là ngần ấy thời gian chị đếm từng ngày mong được về quê. Ngồi dựa vào chiếc cửa bạc màu của căn phòng trọ ọp ẹp, chị Mai líu lo kể cho chúng tôi về cái Tết của gia đình 4 người con của mình. Rằng, mấy đứa nhỏ mong chị về để tranh nhau nghe mẹ kể chuyện, để khoe bức tranh mấy đứa nắn nót vẽ lúc mẹ vắng nhà.

“Mấy ngày này, thằng con trai lớn nhà tôi làm đủ thứ, từ đánh giày, bán đĩa đến phu phen. Tôi thì hôm nào khỏe lại ra đầu ngõ phụ người ta giặt giũ. Thế mới mong có vài đồng về quê,” chị Mai ngậm ngùi.

“Có lẽ tôi ở lại…”

Không háo hức đợi ngày về như những người hàng xóm, ông Vũ Trần Quang (Nam Định) sắp phải đón cái Tết thứ 7 xa quê.

Ngồi co ro trên chiếc giường đơn, lão nông già bảo, mấy bữa trước ông cũng ngóng Tết về lắm. Ngồi ngoài ngõ, thấy người ta tấp nập đón Giáng sinh, đón Tết dương lịch, nước mắt ông cứ chực trào ra, vì tủi thân, vì nhớ nhà.

Thế rồi, ông lão cũng nằng nặc đòi về quê bằng được. Hai mẹ con khuyên thế nào ông cũng bỏ ngoài tai.

“Ấy thế mà, bữa gió về, sức tôi yếu, chả biết quỵ lúc nào. Mấy mẹ con lại phải đưa đi cấp cứu. Thế là hết cơ hội về,” ông Quang trầm ngâm.

Ông Quang cũng nhớ những ngày cuối năm lang thang nơi xóm trọ nghèo. Mấy người cùng dãy nhà thuê kéo nhau về quê quá nửa, chỉ còn trơ mỗi nhà ông với mấy hộ cuối ngõ.

Sáng mùng 1, cả nhà lão cũng quần áo tươm tất ra phố. Nhưng, cũng chỉ lòng vòng một lát là ông Quang đã thở dốc, chân run rẩy đứng không vững. Mọi người lại hò nhau về nhà.

“Nghĩ dại, năm mới đến thì mình lại càng gần hơn ngày về với tổ tiên. Dù sao, những người như chúng tôi, năm sống cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay,” ông Quang thở dài.

Một số người ở xóm chạy thận vì mong mỏi về quê, dù sức khỏe không cho phép nhưng vẫn cố để được ăn Tết ở nhà. Tuy nhiên, đã không ít người gặp cảnh éo le khi phải nhập viện ngay ở đêm sang canh.

Anh Học, đã sống ở xóm chạy thận được 5-6 năm nay, anh kể về Tết năm ngoái khi phải nhập viện ngay trong đêm sang canh.

“Vì chiều em nên bố mẹ cho em về quê ăn Tết. Đúng đêm 30 bệnh tái phát dữ dội nên phải nhập viện gấp. Thuê xe chở em từ Nam Định lên bệnh viện Bạch Mai, vào đến cổng bệnh viện là đúng lúc sang canh…” anh Học kể lại.

Năm nay, với tính hình sức khỏe hiện tại chưa chắc Học đã được về quê, “thấy các bác sỹ bảo phải theo dõi thêm, hơn nữa lịch chạy thận của em vào đúng hôm 30 nên chưa chắc đã được về.”

Không thể về quê để đón Xuân mới, những người như ông Quang, anh Học cũng có cách đón Tết riêng của mình.

“Mấy người cùng cảnh không thể về quê đã bàn với nhau cùng gói bánh trưng và đón Tết ngay tại xóm. Dù xa gia đình nhưng mọi người nương tựa với nhau cũng thấy đỡ tủi…” Học tâm sự./.

Dũng Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục