Xóm ngụ cư trong ngày 8/3: Tự thưởng cho mình nồi... khoai luộc

Những phụ nữ ở các xóm lao động nghèo giữa lòng Thủ đô lặng lẽ đón ngày 8/3 với nhiều nỗi niềm khó gọi thành tên… Cuộc sống mưu sinh vất vả đã khiến họ "quên" đi ngày cả thế giới tôn vinh phái yếu.
Xóm ngụ cư trong ngày 8/3: Tự thưởng cho mình nồi... khoai luộc ảnh 1Những mái nhà tạm bợ của người lao động. (Ảnh: Vietnam+)

Không có hoa cũng chẳng nhận được quà hay những lời thăm hỏi, động viên, những phụ nữ ở các xóm lao động nghèo giữa lòng Thủ đô lặng lẽ đón ngày 8/3 với nhiều nỗi niềm khó gọi thành tên…

“Ngày 8/3 là gì?”

Hà Nội những ngày này mưa phùn ẩm ướt. Chúng tôi tìm đến xóm ngụ cư ở Vạn Phúc (Ba Đình, Hà Nội) - nơi tập trung nhiều lao động từ các tỉnh lẻ đổ về Thủ đô. Nguồn thu nhập ít ỏi của những phụ nữ ở đây chủ yếu đến từ những công việc nặng nhọc như phụ hồ, bốc vác hàng hóa ở các khu chợ đầu mối…

Cái lạnh, ẩm ướt càng khiến cho không khí nơi này trở nên trầm lắng. Thật khó để tìm một phòng trọ mở cửa vào ban ngày bởi những người lao động ở đây chỉ trở về nhà khi màn đêm đã buông xuống hoặc lúc trời gần sáng.

Bên cái bếp đã cũ mèm với những chiếc xô, chậu hoen gỉ, chị Hoa (43 tuổi, quê Thanh Hóa) đang lụi cụi nấu bữa cơm cho khoảng 20 thợ xây. Đã hơn 10 năm nay, để lại con thơ nơi quê nhà, chị theo chân các nhóm thợ hồ đến các công trình xây dựng ở khắp trong Nam, ngoài Bắc, phụ trách công việc bếp núc với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.

“Từ bé đến giờ, tôi chẳng có ‘khái niệm’ gì về ngày 8/3, cũng chưa bao giờ nhận được hoa hay quà gì trong ngày này. Đến cái ăn, cái mặc hàng ngày còn phải lo nghĩ, chắt chiu từng chút thì thời gian, tâm sức đâu mà mơ mộng hoa với quà.” Vừa nói, chị vừa khệ nệ bê một chiếc nồi gang to. Giọng chị không vui, cũng chẳng buồn. Dường như, người phụ nữ nghèo luôn phải tất bật mưu sinh ấy không có một chút cảm xúc nào trong ngày cả thế giới tôn vinh phái yếu.

Xóm ngụ cư trong ngày 8/3: Tự thưởng cho mình nồi... khoai luộc ảnh 2Nơi ở của những phụ nữ xa quê về Hà Nội mưu sinh. (Ảnh: Vietnam+)

Có quà nhưng vấn thấy... tủi thân!

Cũng giống như chị Hoa, cô Trang (Nam Định) đã rời quê lên thành phố làm giúp việc theo giờ được khoảng 10 năm.

“So với việc làm phụ hồ thì thu nhập làm giúp việc theo giờ của tôi thấp hơn (khoảng 30.000 đồng/giờ), bấp bênh hơn (bởi khi nào có người gọi thì mới có việc làm). Thế nhưng, tôi cũng không có sức khỏe để làm những công việc khác thôi thì cũng đành tạm bằng lòng, bớt ăn bớt tiêu đi cho vừa vặn số tiền kiếm được, để không phải sống phụ thuộc vào các con,” người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi với mái tóc hoa râm trải lòng.

Lặng đi chừng vài phút, cô bảo: “Cũng có một vài năm, tôi nhận được quà 8/3 do chủ nhà tặng. Thế nhưng, có quà mà lòng vẫn nặng trĩu, không thể vui.” Nói rồi, giọng cô chùng xuống, đôi mắt đượm buồn nhìn về phía xa xăm.

“Làm sao vui được khi nhìn gia đình chủ nhà sum họp, tíu tít chuyện trò trong bữa cơm; còn mình thì một thân một mình nơi đất khách quê người. Hình dung đến bữa cơm gia đình ở quê mà lòng quặn lại; thậm chí, có lúc, nước mắt cứ ứa ra, không kiềm lại được,” cô Trang chia sẻ.

Ở một góc khác, chị Tạ Diệp (Hưng Yên) đang lúi húi dọn dẹp đồ đạc trong căn phòng trọ đơn sơ. Đã hơn 5 năm nay, chị lấy đêm làm ngày, mưu sinh nghề bốc vác ở khu vực chợ đầu mối Long Biên. Một ngày làm việc của chị thường bắt đầu từ khoảng 12 giờ đêm đến gần sáng với mức thu nhập từ 100.000-150.000 đồng/ngày.

5 năm xa quê cũng là chừng ấy thời gian chị lẻ bóng trong những ngày lễ.

Xóm ngụ cư trong ngày 8/3: Tự thưởng cho mình nồi... khoai luộc ảnh 3Sự nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh đã khiến họ… quên đi câu chuyện 8/3. (Ảnh: Vietnam+)

“Trước đây, khi còn ở quê, cứ đến ngày 8/3, hội phụ nữ trong thôn lại tổ chức tiệc mừng cho chị em. Nói là tiệc cho oách thôi, thực ra cũng chỉ có kẹo, bánh bình thường - đơn giản nhưng ấm áp. Ai cũng cười nói vui vẻ, quên hết mọi mệt mỏi. Nhịp sống ở Hà Nội rất khác, gấp gáp, bận bịu, ai biết việc người đó. Hơn nữa, mình lại là dân ngụ cư nên không được đoàn thể nào tổ chức mừng 8/3,” chị nhớ lại.

Chị bảo, mỗi dịp 8/3, chị lại phải đấu tranh tư tưởng. Một mặt, chị muốn về quê. "Thế nhưng, nếu về quê thì lại phải nghỉ làm, chưa kể chi phí đi lại. Thôi thì đành ở lại với những chị em trong xóm ngụ cư, tự thưởng cho mình một bữa khoai luộc!"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục