Xử lý nợ xấu Việt Nam: Đang rất cần những cây gậy thép

Để xử lý được nợ xấu, theo các chuyên gia đã đến lúc luật pháp và hành pháp phải xoay chiều cho phù hợp với nguyên lý của nền kinh tế thị trường.
Xử lý nợ xấu Việt Nam: Đang rất cần những cây gậy thép ảnh 1Giao dịch tại Ngân hàng. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Vấn đề xử lý nợ hiện nay vẫn còn khá nhiêu khê trong khâu khởi kiện, thu giữ, bán, phát mãi tài sản nên rất khó thu hồi được nợ, vì thời gian thủ tục ra tòa rất phức tạp.

Theo các chuyên gia, cần có sự thay đổi trong một số điều luật cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan để đảm bảo thực thi quyền thu giữ, phát mãi tài sản để quá trình xử lý nợ nhanh chóng, thuận tiện hơn.


Sự chây ỳ của "con nợ"

Qua tiếp xúc với nhiều cán bộ thu nợ của các ngân hàng, hiện có một thực tế rất bất cập là người vay không trả được nợ thì họ không sao cả, thậm chí càng chây ỳ càng có lợi. Nếu ngân hàng có đến thu giữ tài sản đảm bảo theo quy định thì họ bị "con nợ" cản trở, chống đối và đôi khi lại được dư luận bênh vực.

Thậm chí, khách hàng lại “tố ngược” ngân hàng xử lý nợ theo kiểu cưỡng bức… Trong khi đó, nợ xấu càng kéo dài thì ngân hàng càng phải è cổ ra để trích lập dự phòng rủi ro mà xử lý, lại còn mang tiếng là để nợ xấu tăng. Lúc này, ngân hàng là người yếu thế và chính lại là nạn nhân.

Trên thực tế thì cũng có rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười trong hành trình đi thu nợ của các cán bộ ngân hàng.

Đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) kể có một vị khách đã vay ngân hàng tiền và làm thủ tục hợp đồng thế chấp tài sản trong tương lai (là căn hộ mua tại một khu đô thị). Không giữ được chữ tín trả nợ đúng quy định, vị khách này còn làm ầm lên khi ngân hàng thông báo sẽ làm theo đúng luật tiến hành xử lý tài sản bảo đảm (dù hai bên đã từng ký cam kết thỏa thuận các điều khoản chi tiết, rõ ràng).

Chia sẻ tình trạng này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng nêu ví dụ về một khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh vay gần 1.000 tỷ đồng, thế chấp bằng nhà, nhưng nhất định không trả nợ cho ngân hàng, dù mỗi năm thu về mấy trăm tỷ đồng tiền thuê nhà. Tuy vậy, cả VAMC và ngân hàng đều không làm được gì đối với khách hàng này.

Chính vì vậy, từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua về khoảng 160.000 tỷ đồng nợ xấu, song mới thu nợ và phát mại tài sản được 8.600 tỷ đồng.

Nhận xét về thực trạng này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, thực tế đang có nhiều khách hàng chọn cách càng chây ỳ càng có lợi. Lý do là bởi theo ông Đức: “Tôi vay ngân hàng khi nợ xấu lãi suất rơi vào 15-20%, có khi tới 30%/năm. Còn nếu tôi cứ chây ỳ, chắc chắn ngân hàng sẽ phải miễn giảm lãi, sẽ tha không phải trả gì cả. Thậm chí còn đến mức độ là cứ ra bản án, cứ có quyết định của tòa án thì lúc đấy nghĩa vụ lại nhẹ nhàng đơn giản nhất, chỉ có 9%/năm thôi.”

Xử lý nợ xấu Việt Nam: Đang rất cần những cây gậy thép ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cần lắm một cây gậy thép

Ông Hùng cho rằng ở Việt Nam hiện đang thiếu thị trường mua-bán nợ xấu. Hiện đã có khoảng 60 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới các khoản nợ xấu của Việt Nam, nhưng đến khi họ tìm hiểu về quyền lợi, khuôn khổ pháp lý khi xử lý nợ… thì VAMC không trả lời được. Vai trò hạn chế của VAMC trong việc quyết định các vấn đề về bán nợ, bán tài sản đảm bảo… khiến các nhà đầu tư mới chỉ dừng lại ở mức độ tìm hiểu mà chưa chính thức đặt vấn đề.

Mục tiêu năm nay đưa nợ xấu về 3% là khả thi. Nhưng vấn đề đặt ra là từ năm 2016 trở đi - khi nợ xấu đã về 3% thì phải làm gì và làm như thế nào với khối lượng nợ xấu mua về. Bởi đến thời điểm hiện tại, VAMC mới thu nợ và phát mại tài sản được 8.600 tỷ đồng, tức chỉ khoảng 5% trên tổng nợ xấu đã mua.

Ông Hùng cho rằng, để VAMC xử lý được nợ, cần phải trao cho VAMC một số quyền, như quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quyền như thi hành án, quyền đề nghị khởi tố nếu khách hàng không trả nợ, quyền đấu giá tài sản đảm bảo không cần người vay đồng ý. Tuy nhiên, điều này lại trái với hầu hết các luật dân sự hiện hành.

Theo thống kê hiện có gần 70% nợ xấu liên quan đến bất động sản và hầu hết được đảm bảo bằng bất động sản. Muốn xử lý được tài sản đảm bảo, ngân hàng trước hết phải giữ được tài sản đảm bảo, song việc này rất khó, bởi con nợ thường bất hợp tác. Ngân hàng nếu mạnh tay sẽ bị mang tai tiếng. Cũng chưa có quy định nào cho phép ngân hàng tự ý xử lý tài sản đảm bảo trong trường hợp con nợ bất hợp tác, không chịu chuyển nhượng tài sản gắn liền trên đất cho ngân hàng. Nhiều trường hợp, thậm chí tòa đã có phán quyết, nhưng thực thi rất chậm, khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, tốn kém chi phí, mà vẫn không hiệu quả.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, ước lượng không dưới 70% rào cản xử lý nợ xấu là do các vướng mắc pháp lý. Đó là, cản trở pháp lý do xung đột pháp luật; cản trở pháp lý do bất cập pháp luật; cản trở pháp lý do áp dụng sai luật và cản trở pháp lý do bất chấp pháp luật.

Tại điều 63 của Nghị định 163 của Chính phủ được coi là “cây gậy” để các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ vì ngân hàng có quyền được thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý và được các cơ quan như công an, chính quyền địa phương hỗ trợ. Nhưng thực tế, rất ít ngân hàng thực hiện việc thu hồi, bởi nhiều lý do ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của ngân hàng… đặc biệt là họ vấp phải sự chống đối mạnh từ người đi vay. Mặc dù, pháp luật quy định ngân hàng được phép thu giữ tài sản đảm bảo khi người vay không trả được nợ.

Để tháo gỡ các xung đột, vướng mắc trong một “rừng” luật hiện nay, ông Đức cho rằng cần phải có một đạo luật xử lý nợ xấu. Đã đến lúc luật pháp và hành pháp phải xoay chiều cho phù hợp với nguyên lý của nền kinh tế thị trường. Đó là, trước hết phải bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ, điều này cần phải được cụ thể hóa trong các đạo luật liên quan đến quan hệ vay nợ, thế chấp và xử lý hệ quả pháp lý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục