Xử lý sai phạm trong việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì COVID-19

Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, gói 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn là chưa có tiền lệ, do đó cán bộ không tránh khỏi "lúng túng."
Xử lý sai phạm trong việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì COVID-19 ảnh 1Hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Trương Thị Hoa, thôn 6B, xã Cư Elang, huyện Ea Kar - hộ nghèo năm 2019 của xã nhưng không được nhận tiền hỗ trợ. (Ảnh: Hoài Thu//TTXVN)

Trước bức xúc của người dân, phóng viên TTXVN đã liên hệ chính quyền các cấp để làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, chính quyền các thôn, buôn và xã đều khẳng định làm đúng; việc để xảy ra tình trạng “hộ nghèo, hộ cận nghèo không được nhận tiền hỗ trợ vì không có tên trong danh sách” vẫn chưa có người chịu trách nhiệm.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng khẳng định Sở đang kiểm tra quy trình rà soát và đánh giá hộ nghèo hằng năm, quy trình triển khai chi trả gói 62.000 tỷ đồng; phối hợp với Công an tỉnh tiến hành làm rõ một số nội dung đơn thư phản ánh của người dân, kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm.

Cần làm rõ những bức xúc của dân

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cư Elang Trần Văn Thanh, xã đã tiếp nhận những bức xúc của người dân và đang chỉ đạo rà soát lại để có câu trả lời cho nhân dân.

Ông Trần Văn Thanh khẳng định quá trình thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ, xã đã làm đúng quy trình “cấp thôn đã rà soát, gửi danh sách lên xã và xã thực hiện đúng theo danh sách do thôn cung cấp."

Ông Nông Văn Chỉ, Thôn trưởng thôn 6D, xã Cư Elang cho biết danh sách người dân thôn 6D được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xã không thông qua cho thôn biết. Ngày chi trả tiền hỗ trợ và nhà nào được nhận tiền hỗ trợ, thôn cũng không biết.

Ông Nông Văn Chỉ nhấn mạnh trong 10 năm làm trưởng thôn, đây là lần đầu tiên ông thấy người dân bức xúc như vậy. Nguyên nhân là thôn 6D có hơn 30 hộ cận nghèo không được nhận tiền hỗ trợ, một số hộ có điều kiện lại được nhận tiền. Điều đó không công bằng, vì đây là tiền của Chính phủ hỗ trợ cho người yếu thế.

Ông Chỉ cho biết: "Cuối năm 2019, thôn đã thành lập tổ rà soát, tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đã thoát nghèo. Sau đó, thôn đã có một buổi họp dân. Danh sách này được toàn dân thông qua. Hiện nay, người dân bức xúc, xã đổ lỗi do thôn, như vậy không được."

Tại thôn 6B, xã Cư Elang, bà Trương Thị Hoa có hoàn cảnh khó khăn, nhà làm bằng tranh nứa, tạm bợ nhưng "được chấm 150 điểm," không phải hộ nghèo, không được nhận tiền hỗ trợ. Trong khi đó, nhà ông Ngân Văn Chia (Phó trưởng thôn 6B) được xây kiên cố nhưng vẫn thuộc diện cận nghèo, được nhận 4,5 triệu đồng theo Nghị quyết 42.

Ông Ngân Văn Chia giải thích: "Gia đình ông có 7 nhân khẩu, nhà xây hơn 300 triệu đồng là số tiền đi vay mượn nên được chấm 120 điểm, thuộc diện hộ cận nghèo."

Theo Quyết định số 1470 ngày 2/7/2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt danh sách hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của huyện Ea Kar, huyện có 33.548 người được nhận hỗ trợ, kinh phí hơn 25 tỷ đồng. Hiện nay, hơn 200 hộ dân của xã Cư Elang chưa nhận được tiền hỗ trợ do có sổ hộ nghèo nhưng không có sổ hộ khẩu.

Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ea Kar, với những hộ nghèo chưa có sổ hộ khẩu, huyện chỉ đạo xã kiểm tra lại thời điểm những hộ này đăng ký tạm trú để có hướng giải quyết theo quy định. Đối với khiếu nại của người dân, huyện đã chỉ đạo các xã kiểm tra, rà soát, có hướng giải quyết và báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện.

Theo ông Trương Công Bắc, thôn trưởng thôn 6B, xã Cư Elang, huyện Ea Kar, năm 2019, thôn có 183 hộ nghèo, 100 hộ cận nghèo. Cuối năm 2019, chỉ tiêu giảm xuống chỉ còn 137 hộ nghèo.

Chính quyền thôn đã đi rà soát nhiều lần và đầu năm 2020 họp dân, công bố danh sách 137 hộ nghèo, 174 hộ cận nghèo và 32 hộ thoát nghèo. Sau đó, thôn đã nộp danh sách này lên xã. Tuy nhiên, danh sách hộ dân được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42, thôn không được biết.

Thôn có khoảng 60 hộ (hộ nghèo năm 2019 chuyển sang hộ cận nghèo năm 2020 và một số hộ cận nghèo khác) không có tên trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ. Cá nhân ông Bắc thấy, việc hỗ trợ trên địa bàn như vậy là không công bằng.

Ông đề nghị Ủy ban Nhân dân xã cần xuống rà soát lại một lần nữa, chi trả đúng đối tượng, đúng người, không để sót, không chi trả sai đối tượng.

Ông Nông Văn Chỉ, Trưởng thôn 6D, xã Cư Elang đề nghị tỉnh nên về đối thoại và có giải pháp giải quyết hợp lý để nhân dân an tâm.

Theo ông Hà Bình Yên, Buôn trưởng buôn Vân Kiều (xã Cư Elang), buôn đã khảo sát và đưa danh sách người dân đề nghị được nhận tiền hỗ trợ lên xã nhưng 6-7 hộ cận nghèo có trong danh sách buôn đưa lên vẫn không được nhận tiền hỗ trợ.

Trong khi đó, một số hộ có kinh tế khá, nhà cao cửa rộng, sau khi khảo sát, buôn đã loại khỏi danh sách, vẫn được nhận tiền hỗ trợ. Theo ông Yên, việc chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng như vậy khiến nhân dân bức xúc.

[Hỗ trợ người dân gặp khó vì COVID-19: Tiền 'đi lạc' vào hộ khá giả]

"Cấp trên cần xem xét hỗ trợ bổ sung cho 6-7 hộ cận nghèo ở thôn. Những hộ có kinh tế khá lỡ nhận tiền rồi, cuối năm 2020 rà soát lại, nên đưa ra khỏi diện cận nghèo," ông Yên nói.

Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cư Elang, cho biết việc rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42, xã đã làm đúng quy trình, có thành lập đoàn đi rà soát.

Những kiến nghị bức xức của nhân dân, xã đang rà soát, giải quyết, kết quả xã sẽ thông báo sau. Riêng thông tin người dân phản ánh về đoàn cán bộ xã và cán bộ thôn, buôn đi vận động hộ cận nghèo ký đơn không nhận tiền hỗ trợ, ông Trần Văn Thanh phản hồi xã đã nhận 16 đơn của hộ cận nghèo tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ.

Trong quá trình rà soát, đoàn cán bộ của xã và thôn, buôn đi nắm bắt tình hình chứ không chỉ đạo, vận động hộ cận nghèo không nhận tiền hỗ trợ.

Về phía xã Ea Sô (huyện Ea Kar), trước thông tin người dân phản ánh về một số hộ có kinh tế khá nhưng được nhận tiền hỗ trợ COVID-19, bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Thôn trưởng thôn 1 xác nhận một số hộ (trong đó có gia đình bà Thủy) “có ăn," nhà cửa kiên cố, nội thất đầy đủ thuộc diện cận nghèo đã nhiều năm. Nguyên do “thuộc diện cận nghèo để được vay tiền ngân hàng cho con đi học đại học."

Bà Thủy khẳng định khi rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo, nhà dân nào thôn cũng rà soát theo quy trình ba bước. Trước đây, hộ cận nghèo không được hưởng chế độ, chính sách gì, không có ai ý kiến. Do năm nay được hưởng tiền theo Nghị quyết 42, người dân mới ý kiến.

Thôn trưởng thôn 1 (xã Cư Elang) xác nhận, trên địa bàn có trường hợp hộ dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không được xét hộ nghèo, hộ cận nghèo và không được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42 vì hộ đó “không xin vào hộ nghèo hoặc cận nghèo, cũng không thắc mắc với thôn."

Đối với việc con trai là Nguyễn Thành Thế đã lập gia đình năm 2017 và tách khẩu nhưng vẫn có tên trong danh sách của gia đình để nhận tiền hỗ trợ, bà Thủy cho biết "hộ khẩu hiện tại không có tên của anh Thế, gia đình bà Thủy chỉ nhận 3 triệu đồng, tương đương với 4 khẩu."

Xử lý sai phạm trong việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì COVID-19 ảnh 2Chủ tịch UBND xã Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) Nguyễn Xuân Hữu trả lời về bất cập trong thực hiện Nghị quyết 42 trên địa bàn thôn 1, xã Ea Sô. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ea Sô (huyện Ea Kar) Nguyễn Xuân Hữu cho biết xã đã chỉ đạo chặt chẽ việc rà soát danh sách hộ nghèo và hộ cận nghèo, tuy nhiên trong quá trình thực hiện không tránh khỏi sai sót.

Xã tuyệt đối không du di cho hộ dân vào diện hộ nghèo, cận nghèo vì “có con đi học đại học." Qua thông tin báo chí phản ánh, xã sẽ cử tổ giám sát đi kiểm tra thực tế. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để quá trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo sau này xã sẽ thực hiện chặt chẽ hơn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ea Kar nhấn mạnh việc hộ nghèo và hộ cận nghèo không được nhận tiền hỗ trợ hoặc chi sai đối tượng, trách nhiệm thuộc về Ủy ban Nhân dân xã vì xã quản lý dân cư, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Trường hợp vướng mắc nhiều ở cơ sở, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã phải làm việc cụ thể với từng hộ dân. Trong quá trình rà soát và chi trả, có vướng mắc, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã hỗ trợ tháo gỡ. Chủ trương là phải để tiền hỗ trợ đúng địa chỉ, đúng người.

Kiểm tra làm rõ sai phạm

Ông Trần Phú Hùng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết Sở đã nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Ea Pil (huyện M’Đrắk), xã Cư Elang (huyện Ea Kar) về những bất cập xoay quanh việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, Sở đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện xuống xã kiểm tra tình hình, kiểm tra quy trình rà soát và đánh giá hộ nghèo hàng năm, quy trình triển khai chi trả gói 62.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở đã phối hợp với Công an tỉnh tiến hành làm rõ một số nội dung đơn thư phản ánh của người dân.

Ông Trần Phú Hùng nhấn mạnh khi có kết quả kiểm tra, kết luận sai phạm ở mức độ nào, Sở sẽ kiến nghị cho Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý. Nếu phát hiện có dấu hiệu tham ô tham nhũng, trục lợi chính sách, Sở cương quyết đề nghị xử lý nghiêm.

Nếu như sai phạm ở quá trình rà soát, bỏ bớt khâu thì xem xét, phê bình và kiểm điểm những cán bộ liên quan. Những trường hợp đã nhận tiền, nếu phát hiện sai đối tượng thì sẽ truy thu lại.

Tính đến ngày 9/9/2020, tỉnh Đắk Lắk có 413.912 người được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, với số tiền gần 350 tỷ đồng. Hai nhóm đối tượng đã chi trả xong là người có công với cách mạng (9.698 người được nhận với hơn 14,5 tỷ đồng) và đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng (42.688 người với hơn 63,7 tỷ đồng).

Đối với đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt 375.204 khẩu với hơn 281 tỷ đồng; đã chi trả cho 360.778 khẩu với hơn 270 tỷ đồng.

Về nhóm đối tượng lao động tự do, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt danh sách cho 4.531 người được nhận, đã chi trả cho 748 người với gần 761 triệu đồng.

Theo ông Trần Phú Hùng, gói 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn là việc chưa có tiền lệ. Do đó, quá trình thực hiện, ban đầu cán bộ không tránh khỏi "lúng túng."

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk có địa bàn rộng, dân số đông (hơn 1,9 triệu người), đặc biệt, số lượng hộ nghèo và hộ cận nghèo còn cao, với 375.407 khẩu, tương đương với 89.285 hộ... dẫn đến rà soát mất rất nhiều thời gian.

Ngoài ra, khi thực hiện chi trả tiền hỗ trợ người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn kinh phí Trung ương là 70%, còn lại là ngân sách tỉnh. Song, nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh không đủ chi trả, một số địa phương không cân đối được nguồn lực, do đó hiện còn 4 huyện chưa chi trả xong cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là Lắk, Ea Kar, Krông Búk, Krông Năng.

Lý giải thắc mắc của người dân về tiêu chí chấm điểm hộ nghèo, quá trình xét và gia hạn hộ nghèo, hộ cận nghèo, ông Trần Phú Hùng nhấn mạnh quy trình bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm có 7 bước gồm: xác lập danh sách hộ gia đình cần rà soát, rà soát-phân loại theo bảng chấm điểm, họp dân thống nhất kết quả rà soát, niêm yết công khai danh sách, xin báo cáo thẩm định của Ủy ban Nhân dân cấp huyện, công nhận danh sách và lưu trữ hồ sơ.

Trong số đó, bước họp dân sau khi chấm điểm để thống nhất kết quả rà soát là quan trọng nhất. Tuy nhiên, dù đã được tập huấn song một số cán bộ thôn, buôn, xã chưa nắm vững quy trình hoặc bỏ bớt khâu trong quá trình thực hiện. Điều đó dẫn đến “bỏ lọt” hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc có những hộ đã thoát nghèo nhưng chưa đưa ra khỏi danh sách, dẫn đến bất cập trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42. Do vậy, trong thời gian tới, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hộ nghèo hàng năm, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã.

Ông Trần Phú Hùng khẳng định không có ngoại lệ xét hộ nghèo, hộ cận nghèo dựa trên tiêu chí “con đi học đại học." Trường hợp tại xã Ea Sô (huyện Ea Kar), Sở sẽ trực tiếp kiểm tra, xử lý ngay, kịp thời giải quyết bức xúc trong nhân dân.

Ông Trần Phú Hùng khuyến cáo trường hợp người dân viết đơn tự nguyện xin không nhận tiền hỗ trợ, nếu thấy hoàn cảnh người dân khó khăn như ở xã Cư Elang (huyện Ea Kar), xã nên vận động người dân nhận tiền để đảm bảo cuộc sống. Trường hợp người dân tự nguyện không nhận tiền, xã phải giải thích, động viên, khen ngợi hộ dân đó.

Cũng theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, việc hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo đã có sổ chứng nhận, có danh sách rà soát hằng năm nhưng vẫn xảy ra sai sót.

Trong thời gian tới, việc hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do và hộ kinh doanh cá thể (có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm) rất khó khăn vì liên quan đến xác định đối tượng, xác định thu nhập, mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Do đó, để chi trả đúng người, đúng đối tượng cho lao động tự do và hộ kinh doanh cá thể, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người lao động, hộ kinh doanh nắm bắt thông tin Nghị quyết, đối tượng được hưởng, thủ tục tiến hành để được hưởng.

Trước mắt, tỉnh đã phê duyệt cho 4.531 lao động tự do là người bán vé số dạo, xe thồ, thợ bốc vác… bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có đơn và được chính quyền địa phương xác nhận.

Trong quá trình xét duyệt, các cấp, đặc biệt là cấp thôn, buôn, phường, xã phải tiến hình quy trình theo tinh thần khách quan, công khai, minh bạch, có sự giám sát của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, như vậy sẽ góp phần giảm thiểu khiếu nại, thắc mắc.

Như vậy, với phản ánh của người dân, các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đang gấp rút vào cuộc xác minh, làm rõ để có hướng giải quyết phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục