Xuất khẩu dệt may đạt hơn 3,2 tỷ USD trong quý 1

Dệt may tiếp tục dẫn đầu trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đạt 3,23 tỷ USD về kim ngạch, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý 1, dệt may tiếp tục dẫn đầu trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đạt 3,23 tỷ USD về kim ngạch, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng Ba, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 1,15 tỷ USD, tăng nhẹ so với tháng trước và là mặt hàng duy nhất đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may vào các thị trường truyền thống vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định. Tính đến hết tháng Hai, Mỹ tiếp tục là đối tác lớn nhất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam với 1,08 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 51,7% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước.

Mặc dù đã giảm mạnh tốc độ từ chỗ tăng 33,6% năm 2011 xuống còn 3,5% trong cùng kỳ năm nay, song kim ngạch xuất khẩu dệt may sang thị trường EU vẫn đạt 322 triệu USD - đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, do cuộc khủng hoảng nợ tại EU nên người tiêu dùng siết chặt chi tiêu, thị trường nhập khẩu bị thu hẹp khiến lượng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này giảm so với cùng kỳ.

Trong hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Nhật Bản cũng đạt 226 triệu USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ. Hàn Quốc - thị trường đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu hàng dệt may của Việt nam sau Mỹ, Nhật và EU, đạt 172 triệu USD, với mức tăng ấn tượng trên 55% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, năm 2012 cũng được xem là năm thách thức về thị trường xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam. Xuất khẩu dệt may vào các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu thời gian tới sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công từ châu Âu.

Các đơn hàng cho năm 2012 đang có dấu hiệu sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, do khó khăn về thị trường xuất khẩu, một số nước như Ấn Độ, Indonesia đã chấp nhận giảm giá để hút đơn hàng.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng để xuất khẩu hàng dệt may năm 2012 tiếp tục tăng trưởng ổn định, ngoài các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp nên nỗ lực tìm cơ hội tại các thị trường mới.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã tìm hướng xâm nhập và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường mới như Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ, Nga./.

Khánh Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục