Xuất khẩu dệt may khó có đạt mục tiêu 19 tỷ USD

Các chuyên gia dự báo mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may trong 2012 là 19 tỷ USD được xem là nhiệm vụ không dễ đạt được.
Các chuyên gia dự báo việc thực hiện mục tiêu 19 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng  dệt may trong năm 2012 không dễ đạt được bởi nhiều lý do.

Thời gian tới, khi cạnh tranh trên thị trường thế giới đối với hàng dệt may căng thẳng hơn và xu hướng cắt giảm chi tiêu của các thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới sẽ tác động đáng kể tới ngành dệt may.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp cho rằng năm 2012 sẽ là thời gian thách thức cho ngành dệt may, chứ không phải chỉ sáu tháng đầu năm như từng được dự báo. Thậm chí có những doanh nghiệp có tiếng trong ngành cũng rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng.

Vì vậy, để xuất khẩu hàng dệt may năm 2012 tiếp tục tăng trưởng, Bộ Công Thương đã khuyến cáo các doanh nghiệp dệt may cần triển khai một số biện pháp giảm dần sự phụ thuộc vào các đơn hàng gia công, tập trung nâng cao tỷ lệ làm hàng xuất khẩu theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng), tăng sử dụng các nguyên phụ liệu tự nhiên được sản xuất trong nước, đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động để bổ sung nhân lực cho ngành.

Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2012 và những năm tiếp theo sẽ là giai đoạn cực kỳ khó khăn bởi các thị trường nhập khẩu dệt may lớn trên thế giới, xu hướng cắt giảm chi tiêu trong đó có dệt may sẽ là điều tất yếu.

Dự báo này hoàn toàn có cơ sở khi mà không ít doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) thông báo tại thời điểm quý 1 họ vẫn đang phải loay hoay tìm kiếm đơn hàng cho kế hoạch sản xuất quý 3, quý 4, trong khi bằng giờ này năm ngoái, các đơn hàng gần như đã kín cho kế hoạch cả năm.

Mặc dù sắp hết quí I, các đơn hàng xuất khẩu trong năm vẫn chưa ổn định mà có dấu hiệu giảm, biểu hiện là sản xuất của ngành nguyên liệu vải giảm: vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo giảm 8,2% so với cùng kỳ, vải dệt từ sợi bông tuy tăng nhưng không đáng kể. Điều đó làm sản phẩm quần áo may sẵn cho người lớn phục vụ nhu cầu xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 3,8%. Tuy nhiên, sự giảm sút trong xuất khẩu sang các thị trường truyền thống được bù lại bằng việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng. Không những thế, điểm khác với những năm trước là tình hình lao động trở lại làm việc sau thời gian nghỉ Tết tại các doanh nghiệp dệt may lớn khá ổn định do các chính sách thu hút người lao động gắn bó với ngành hơn trước./.

Uyên Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục