Xuất khẩu: Không tận dụng cơ hội, lợi thế vẫn chỉ ở tiềm năng

Nhiều chuyên gia cho rằng còn không ít bất cập trong những ngành được nhìn nhận là có thế mạnh và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.
Xuất khẩu: Không tận dụng cơ hội, lợi thế vẫn chỉ ở tiềm năng ảnh 1Vận chuyển gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp chế biến lương thực Tân Túc, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Việt Nam tuy đã là quốc gia có tên tuổi trong bản đồ xuất khẩu thế giới đối với một số mặt hàng nông sản và công nghiệp như càphê, gạo, hạt tiêu, tôm, cá tra và dệt may nhưng vẫn còn nhiều tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu.

Tại” Hội thảo Quốc gia đánh giá tiềm năng xuất khẩu” do Cục Hợp tác Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 30/7, nhiều ý kiến cho rằng còn không ít bất cập trong những ngành được nhìn nhận là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng như các mặt hàng mà Việt Nam đang có tiềm năng xuất khẩu.

Tận dụng tiềm năng

Đánh giá cao những thành quả đã đạt được trong lĩnh vực xuất khẩu thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay cùng với sự chuyển dịch tích cực của cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng tăng sản phẩm công nghiệp chế tạo và chế biến, giảm xuất thô và nâng cao giá trị gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu.

Hoạt động đánh giá tiềm năng xuất khẩu do Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được thực hiện ở cấp quốc gia và ở cấp vùng (Bắc, Trung và Nam), tập trung vào 5 lĩnh vực và ngành hàng là nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thủ công mỹ nghệ và thủy sản.

Đây là một trong những hoạt động trọng điểm, với mục tiêu là xác định các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu ở cấp quốc gia và của từng khu vực nêu trên, để từ đó xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển xuất khẩu ở cấp vùng trong giai đoạn chính của Chương trình.

Ông Miroslav Delaporte, Trưởng đại diện SECO tại Việt Nam nhận xét, ở Việt Nam, xuất khẩu hiện chiếm tỷ trọng trên 60% GDP và riêng năm 2013 có mức tăng trưởng 15,3%, tức cao hơn hẳn mục tiêu tăng 12% đã được xác định từ trước.

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới thông qua việc vận dụng tốt các điều kiện, chính sách và sự mở rộng về đầu ra trên thị trường quốc tế. Xuất khẩu cũng sẽ tận dụng được tiềm năng, cơ hội trong hội nhập để đóng góp xứng đáng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa; tập trung vào mục tiêu gia tăng tỷ lệ hàng thuộc ngành chế biến, chế tạo, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.

Báo cáo về tiềm năng xuất khẩu cho thấy những nhóm hàng có tiềm năng xuất khẩu cao được nhìn nhận bao gồm sắn, cà phê, cao su, mây tre lá, tôm, điện và điện tử… Điểm đáng chú ý trong đó nhóm này là những mặt hàng có giá trị kim ngạch cao như càphê, cao su, điện và điện tử… lại bộc lộ không ít hạn chế.

Đó là chủ yếu xuất thô, giá trị gia tăng thấp (cà phê, điện và điện tử); công nghiệp phụ trợ kém phát triển (cao su)… Trong khi những mặt hàng có tiềm năng cao như sắn, tiêu và gia vị, mây tre lá, gốm sứ, cá ngừ… dù nhu cầu thị trường lớn nhưng giá trị xuất khẩu vẫn ở mức thấp do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chưa kể chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ.

Một điểm đáng quan tâm là trong nhóm hàng có tiềm năng xuất khẩu thấp, gạo là mặt hàng đứng đầu tiên. Dù doanh thu từ xuất khẩu mặt hàng này thường duy trì ở khoảng 3 tỷ USD mỗi năm nhưng theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, nguyên nhân là do Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và khuyến khích đưa vào trồng các loại cây có lợi nhuận cao, bền vững hơn.

Mặt khác, thị trường gạo thế giới đang ở mức dư thừa dự trữ cùng với sự xuất hiện của những nhà cung cấp mới nên gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các bất cập còn thể hiện qua các mặt như giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu thường mang lại thấp (do chưa có thương hiệu, xuất khẩu phần lớn qua các bên trung gian…); chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng thấp (ngành nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ); cơ sở hạ tầng chế biến và vận tải kém …

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tư vấn Trưởng Đánh giá tiềm năng xuất khẩu, điều đáng quan tâm là Việt Nam vẫn đang dựa vào là lợi thế về chi phí nhân công và điều này đang trở nên ngày càng không bền vững trong hoạt động xuất khẩu.

Đặc biệt là với nhóm điện tử, dệt may và da giày thì phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Đây là những ngành xuất khẩu truyền thống với kim ngạch xuất khẩu cao, thặng dư thương mại lớn vừa là những ngành thu hút nhiều lao động. Các ngành này đặc trưng cho việc khai thác lợi thế hiện tại của Việt Nam về chi phí nhân công rẻ.

Tuy vậy, trong bối cảnh mức lương bình quân đang ngày càng tăng và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các vùng, miền đã dẫn tới nguy cơ thiếu hụt lao động ngày càng rõ. Bên cạnh đó, yếu điểm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hoặc linh kiện nhập khẩu đang khiến doanh nghiệp phải chịu nhiều rủi ro mỗi khi có biến động giá và thời gian giao hàng. Đồng thời trực tiếp làm hạn chế năng lực cạnh tranh của các nhà cung ứng và cản trở sự nâng cấp hoạt động trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp.

Hành động cũ, ưu tiên mới

Dựa trên kết quả phân tích, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra các giải pháp ưu tiên cho từng ngành hàng cụ thể.

Đơn cử, với ngành điện, điện tử cần hỗ trợ nhà cung ứng kết nối với khách hàng tiềm năng trong khối doanh nghiệp FDI và khách hàng nước ngoài hay hỗ trợ phát triển các thương hiệu điện tử trong nước sản xuất.

Với ngành giày dép là đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực thiết kế. Với lúa gạo thì cần chọn phân khúc thị trường gạo chất lượng cao và đặc sản cho xuất khẩu thời gian tới nhằm thúc đẩy sản xuất quy mô lớn…

Còn trên bình diện tổng thể, ông Đinh Văn Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cũng đưa ra các giải pháp đã từng được nhắc đến nhiều hay chỉ ra những tồn tại mà sau nhiều năm vẫn chưa có nhiều thay đổi. Chẳng hạn như về sự cần thiết xây dựng hệ thống thông tin thị trường cập nhật cho từng ngành hàng trên một nền tảng chung nhất quán, cân nhắc khả năng chia sẻ tối đa để giảm thiểu những chi phí phát sinh không cần thiết.

Hiện nay đã có khá nhiều cơ sở dữ liệu thông tin thị trường, tuy nhiên, lại không mang tính hệ thống, không đầy đủ và có thể so sánh lẫn nhau theo tiêu chí lựa chọn. Mặc dù vậy, bất cập này vẫn không có sự thay đổi dù ai cũng biết việc duy trì cơ sở dữ liệu riêng rẽ ở các cơ quan, ban ngành là tốn kém và hạn chế khả năng khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu.

Hay như tồn tại về một nền công nghiệp hỗ trợ yếu. Đây là vấn đề đã được đề cập nhiều tại báo cáo ngành, thậm chí là các văn bản quy hoạch, chiến lược của Chính phủ. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế chưa mấy hiệu quả. Với những cơ hội tiềm năng mà các hiệp định thương mại Việt Nam đang đàm phán sẽ mang lại, phát triển công nghiệp phụ trợ lại nổi lên là cơ hội lớn mà các nhà đầu tư nước ngoài đã rất nhanh nhạy nắm bắt.

Nhằm hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định tới đây Việt Nam sẽ tập trung phát triển các mặt hàng công nghệ mới có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghiệp và chất xám cao trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng giảm nhập khẩu hàng thô, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp đặc biệt là hàng công nghiệp chế tạo điện tử, viễn thông, vật liệu xây dựng.

“Phát triển xuất khẩu chính là con đường nhanh nhất để Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới,” Thứ trưởng nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục