Xuất khẩu năm 2014 tăng nhưng giá trị gia tăng vẫn thấp

Với tổng kim ngạch đạt 150 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội đề ra, xuất khẩu năm 2014 tiếp tục giữ được đà xuất siêu năm thứ ba liên tiếp nhưng giá trị gia tăng vẫn thấp.
Xuất khẩu năm 2014 tăng nhưng giá trị gia tăng vẫn thấp ảnh 1Một dây chuyền sản xuất linh kiện ôtô. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Với tổng kim ngạch đạt 150 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội đề ra, xuất khẩu năm 2014 tiếp tục giữ được đà xuất siêu năm thứ ba liên tiếp và góp những “gam màu tươi sáng” vào bức tranh kinh tế chung của cả nước.

Tuy nhiên, ngưỡng cửa Năm mới 2015 mở ra vẫn còn đó nhiều thách thức. Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn tiến sỹ Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại xung quanh các vấn đề này.

- Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2014 đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng 14% so với năm 2013, góp phần giúp Việt Nam đạt mức xuất siêu 2 tỷ USD. Theo ông đây có phải là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2014?

Ông Lê Quốc Phương: Hoạt động xuất nhập khẩu chính là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế tổng thể của Việt Nam năm 2014, thể hiện qua các điểm sau. Trước hết, trong điều kiện kinh tế thế giới khá ảm đạm và kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, xuất khẩu năm 2014 vẫn đạt mức tăng trưởng 12-13% là một kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu tiếp tục chuyển biến tích cực theo hướng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến-chế tạo liên tục tăng trong những năm qua (hiện đạt trên 70% xuất khẩu), trong khi tỷ trọng nhóm hàng nông lâm thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu-khoáng sản đều giảm xuống.

Đặc biệt, việc kiểm soát nhập khẩu đã được thực hiện khá hiệu quả, linh hoạt trong năm 2014. Theo đó, nhóm hàng cần nhập khẩu như máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu chiếm tỷ trọng gần 90% nhập khẩu, trong khi nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và nhóm hàng hạn chế nhập khẩu mỗi nhóm hiện chiếm tỷ trọng chưa đến 5% nhập khẩu.

Ngoài ra, năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xuất siêu sau nhiều năm chúng ta luôn ở thế nhập siêu.

- Vậy chỉ số xuất nhập khẩu năm 2014 này có tác động như thế nào tới các cân đối vĩ mô, thưa ông?

Ông Lê Quốc Phương: Theo tôi, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2014 đã tác động tích cực đến các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Với mức tăng 14% so với năm ngoái, xuất khẩu chính là một động lực quan trọng, góp phần cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 với dự kiến đạt 5,8-5,9%.

Năm 2014, Việt Nam đạt xuất siêu 2 tỷ USD và kết quả này không chỉ giúp cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán của Việt Nam mà còn góp phần tăng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao nhất từ trước đến nay (hiện đạt trên 35 tỷ USD).

Thêm vào đó, xuất siêu còn giúp khắc phục tình trạng tỷ giá biến động mạnh diễn ra trong nhiều năm trước đây khi cầu ngoại tệ vượt cung gây bởi tình trạng nhập siêu. Nhờ vậy, mục tiêu ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát đã được hiện thực hóa.


- Bên cạnh những mặt tích cực, theo ông đâu là những điểm tồn tại cần lưu ý trong hoạt động xuất nhập khẩu 2014?

Ông Lê Quốc Phương: Theo tôi, mặc dù kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng vẫn thấp. Theo đó, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất thô nông lâm thủy sản và nhiên liệu-khoáng sản nên dù có sản lượng cao nhưng giá trị gia tăng lại không cao. Trong khi đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến-chế tạo như điện thọai, điện tử, dệt may, giày dép hiện chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng xuất khẩu nhưng vẫn hầu hết là gia công lắp ráp, do vậy giá trị gia tăng cũng thấp.

Ở khía cạnh thứ hai, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu vẫn nhờ vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI bởi riêng khối này đã chiếm với tỷ trọng trên 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong khi đó, khối doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm tỷ trọng chưa đến 1/3.

Tương tự như vậy, xuất siêu đạt được cũng do khối doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp trong nước vẫn đang nhập siêu lớn. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang ngày càng yếu thế trước các doanh nghiệp FDI xét cả về tỷ trọng trong xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và cán cân thương mại.

Xu hướng này đã bắt đầu bộc lộ từ các năm trước, song ngày càng thể hiện rõ trong bối cảnh các doanh nghiệp nội địa đang phải đối mặt với những khó khăn lớn.

Thứ ba, mức độ phụ thuộc quá lớn vào một số ít thị trường xuất nhập khẩu. Năm thị trường xuất khẩu lớn nhất (Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc) chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi sáu thị trường nhập khẩu lớn nhất (Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ) chiếm 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, sự phụ thuộc vào Trung Quốc rất lớn: nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 30 % toàn bộ nhập khẩu của Việt Nam. Sự phụ thuộc quá lớn vào một số ít thị trường xuất nhập khẩu dễ dẫn đến rủi ro khi có biến động bất lợi tại các thị trường đó.

Một tồn tại khác cũng cần được chỉ ra chính là tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Việt Nam hiện lên đến trên 80%. Tỷ lệ này cho thấy kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao nhưng cũng lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Đây là yếu tố có thể khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương khi thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh.

Cuối cùng, tăng trưởng xuất khẩu dù duy trì ở mức hai con số trong những năm qua, song tốc độ tăng lại đang cho thấy xu hướng giảm dần, từ 34,2% năm 2011 xuống 18,2% năm 2012, rồi xuống 15,4% năm 2013 và năm 2014 chỉ còn 12-13%.

- Vậy theo ông đâu là những thuận lợi và thách thức đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2015? Liệu xu hướng xuất siêu có được tiếp nối sang năm 2015?

Ông Lê Quốc Phương: Từ 2011 trở về trước, Việt Nam là nền kinh tế nhập siêu kinh niên, với mức nhập siêu lên điểm đỉnh 18 tỷ USD vào năm 2008. Từ 2012 đến nay, Việt Nam đã liên tiếp ba năm giữ được thế xuất siêu.

Tuy nhiên, năm 2015 sẽ có nhiều biến động khiến cho Việt Nam khó duy trì tình trạng xuất siêu. Trước hết cần phải thẳng thắng thừa nhận là xuất siêu đạt được trong ba năm 2012-2014 chủ yếu do tình hình kinh tế trong nước khó khăn.

Trong bối cảnh hàng tồn kho không tiêu thụ được, các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất và giảm quy mô đầu tư. Nhà nước cũng siết chặt đầu tư công trong chương trình kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy tổng cầu đầu tư sụt giảm.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đồng thời chính phủ thắt chặt chi tiêu công khiến tổng cầu tiêu dùng sụt giảm. Sự sụt giảm của cả tổng cầu đầu tư và tổng cầu tiêu dùng khiến nhập khẩu giảm tương đối so với xuất khẩu, dẫn đến xuất siêu trong ba năm qua.

Sang năm 2015, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi hơn, với chỉ tiêu tăng trưởng GDP đặt ra là 6,2%. Trong bối cảnh đó, nhu cầu đầu tư để mở rộng sản xuất của doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tăng lên. Nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ tăng. Sự tăng lên của nhu cầu đầu tư và nhu cầu tiêu dùng khiến nhập khẩu tăng, do vậy nhiều khả năng nhập siêu sẽ quay lại.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện vẫn là nền kinh tế gia công xuất khẩu. Trong khi đó, các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chưa đủ khả năng cung cấp nguyên phụ liệu, khiến các doanh nghiệp phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu, do vậy nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu và máy móc thiết bị vẫn rất lớn.

Ngoài ra, để đón đầu Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP dự kiến sẽ được ký trong năm 2015, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực dệt may, da giày để đáp ứng yêu cầu xuất xứ hàng hóa của TPP về nguyên phụ liệu cho các sản phẩm xuất khẩu phải có xuất xứ từ trong nước hoặc các nước tham gia TPP. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị để thiết lập các cơ sở sản xuất nguyên phụ liệu sẽ tăng mạnh. Đây cũng là một trong những yếu tố gây nên nhập siêu.

Tuy nhiên, không nên quá lo lắng với việc nhập siêu quay lại, bởi nhiều nước đang phát triển cũng nhập siêu, do nhu cầu đầu tư lớn để phát triển. Trong điều kiện nước ta hiện nay, nhập siêu xuất phát từ sự phục hồi của nền kinh tế. Vấn đề là cần có biện pháp hợp lý để kiểm soát tốt được nhập khẩu và nhập siêu, để nhập khẩu mang lại hiệu quả cho sản xuất kinh doanh.

- Vậy theo ông cần có những điều chỉnh gì từ phía doanh nghiệp và chính sách kinh tế vĩ mô để kiểm soát nhập siêu và thúc đẩy xuất khẩu tiếp tục giữ được đà tăng hợp lý?

Ông Lê Quốc Phương: Trước hết, Chính phủ cần có quyết sách mạnh để nhanh chóng phát triển công nghiệp phụ trợ, đảm bảo cung ứng nguyên phụ liệu, linh phụ kiện cho các ngành sản xuất trong nước nói chung và các ngành xuất khẩu nói riêng.

Kinh nghiệm ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan cho thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập ngành công nghiệp phụ trợ. Do vậy, xây dựng được chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mạnh vào lĩnh vực này sẽ tạo ra động lực quan trọng để phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cải cách thể chế nói chung và thủ tục hành chính, thuế và hải quan... cần tiếp tục đẩy mạnh để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, từ đó tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Song hành với đó, việc kiểm soát nhập khẩu cần tiếp tục linh hoạt, đảm bảo khuyến khích nhóm hàng cần nhập khẩu và hạn chế nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và nhóm hàng hạn chế nhập khẩu.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư để nắm bắt cơ hội phục hồi của kinh tế thế giới và trong nước, từ đó có phương án tài chính phù hợp đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị, từ đó tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường trong nước và trên thị trường thế giới.

- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục