Xuất khẩu thủy sản - Không dễ trong sân chơi WTO

Ngành thủy sản Việt Nam còn phải vượt qua nhiều thách thức như vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ngày 20/8, cuộc hội thảo về nâng cao năng lực và đánh giá tác động của việc gia nhập WTO đối với ngành thủy sản đã được tổ chức tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Cuộc hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Xây dựng kế hoạch hành động Quốc gia về phát triển bền vững ngành thủy sản sau khi Việt Nam gia nhập WTO giai đoạn 2010-2012.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh, việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007 đã giúp ngành thủy sản có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và thâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới.

Đồng thời ông chỉ ra những khó khăn, thách thức lớn đối với ngành, trong đó có việc phải thực hiện một loạt các cam kết theo quy định của WTO và hài hòa chính sách hoạt động cho phù hợp với thông lệ, tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế.

Đại diện Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, ông Andrew Speedy cũng thống nhất cho rằng trong thời gian tới, ngành thủy sản Việt Nam còn phải vượt qua nhiều thách thức như vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Dự án Xây dựng kế hoạch hành động Quốc gia về phát triển bền vững ngành thủy sản sau khi Việt Nam gia nhập WTO giai đoạn 2010-2012 do FAO tài trợ 250.000 USD, được thực hiện từ tháng 2/2008 đến tháng 8/2009.

Mục tiêu của dự án là cụ thể hóa Chương trình hành động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về phát triển thủy sản, đồng thời đưa ra lộ trình triển khai những hoạt động cần thiết để phát huy triệt để các tác động tích cực của việc Việt Nam gia nhập WTO đối với phát triển thị trường khu vực và thế giới cho hàng thủy sản Việt Nam, cũng như góp phần giảm đói nghèo cho các cộng đồng ngư dân ven biển.

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, ngành thủy sản cũng đã đề ra một loạt giải pháp đồng bộ nhằm đạt mục tiêu trở thành ngành sản xuất hàng hoá phát triển nhanh và bền vững.

Cụ thể như giảm số lượng tàu thuyền khai thác, cải thiện năng lực quản lý nhà nước đối với nguồn lợi thủy sản, kiểm soát chất lượng thủy sản và chú trọng đầu tư đồng bộ cho nghề cá, ngư dân, ngư trường, khuyến khích người dân nuôi hải sản trên biển và áp dụng công nghệ nuôi trồng tiên tiến.

Năm 2007 - năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO, sản lượng nuôi trồng thủy sản lần đầu tiên đã vượt sản lượng khai thác, đạt 2,1 triệu tấn.

Sang năm 2008, tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam đạt 4,6 triệu tấn, trong đó nuôi trồng đạt gần 2,5 triệu tấn và khai thác đạt trên 2,1 triệu tấn, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 về sản lượng nuôi trồng thủy sản và đứng thứ 13 về sản lượng khai thác thủy sản trên thế giới.

Cũng trong năm này, Việt Nam xuất khẩu được trên 4,5 tỷ USD hàng thủy sản, đứng thứ 6 về giá trị xuất khẩu thủy sản./.
Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục