Xuất khẩu thủy sản - tăng nhanh nhưng "xổi"

Mặc dù xuất khẩu thủy sản tăng trung bình 18%/năm trong giai đoạn 1998-2008, nhưng Việt Nam đang lo ngại về tính thiếu bền vững của ngành này.
Được coi là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về xuất khẩu thủy sản, với mức  tăng trung bình 18%/năm trong giai đoạn 1998-2008, nhưng Việt Nam cũng đang lo ngại về tính thiếu bền vững của ngành này.

Theo thông tin được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra tại một hội thảo về đánh giá tác động của việc gia nhập WTO đối với ngành thủy sản ngày 20/8, từ năm 2001, Việt Nam đã có tên trong nhóm 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới và đến năm 2008 vươn lên thứ 6 về xuất khẩu, thứ 3 về sản lượng nuôi trồng, thứ 13 về sản lượng khai thác hải sản.

Sau 2 năm gia nhập WTO, kinh tế thủy sản vẫn phát triển khá nhanh với tổng sản lượng đạt khoảng 4,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD vào năm 2007 và năm 2008 các con số này là gần 4,6 triệu tấn và 4,6 tỷ USD.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết sản phẩm thủy sản Việt Nam hiện đã có mặt tại thị trường hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục. Chất lượng sản phẩm cũng không ngừng được cải thiện. 

Hiện có tới hơn 300 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thủy sản sang EU và hơn 400 nhà máy xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và các thị trường khác.

Đối với nền kinh tế trong nước, thủy sản có một vai trò quan trọng, đóng góp khoảng 7,3% giá trị xuất khẩu của cả nước vào thời điểm năm 2008, tạo việc làm cho hơn 4 triệu người và đem lại thu nhâp trực tiếp hoặc gián tiếp cho khoảng 10% dân số.

Trong 15 năm qua, ngành thủy sản đã đóng góp trên 5% cho GDP quốc gia. Tại thị trường nội địa, thủy sản là loại thực phẩm truyền thống của người Việt, đặc biệt là thủy sản tươi sống. Tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của Việt Nam lên đến 36kg/người/năm và đang tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, chính tốc độ tăng trưởng cao cả về sản xuất và xuất khẩu của ngành thủy sản đang đi liền nỗi lo về tính bền vững.

“Việc phát triển kinh tế thủy sản thời gian qua là quá nhanh và thiếu bền vững cả về kinh tế, môi trường và xã hội”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Vasep nói.

Chưa kể những nguy cơ về môi trường hay sự cạn kiệt nguồn thủy sản khai thác, riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, hiện hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam chưa có thương hiệu riêng cho các sản phẩm của mình. Các sản phẩm thủy sản chủ yếu được tiêu thụ dưới nhãn hiệu của các nhà nhập khẩu hoặc thương hiệu của hệ thống phân phối nước ngoài.

Ngoài ra, cũng theo Vasep, cơ cấu giá thành bất hợp lý, chi phí nguyên liệu đầu vào cao, chiếm tới  70% tổng chi phí, trong khi chi phí vận tải, giao dịch, quảng bá sản phẩm lại chỉ chiếm khoảng 1%, đã hạn chế việc củng cố hình ảnh sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Các quan chức của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì lo rằng việc thực hiện một loạt cam kết đối với WTO từ nay đến 1/10/2010 như truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản lý tàu đánh cá, là một nhiệm vụ “khó hoàn thành” đối với ngành hàng này.

Cũng vì những lo ngại này, cuộc hội thảo được tổ chức ngày 20/8 nhằm thu thập ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thủy sản để hoàn thiện và ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững ngành thủy sản giai đoạn 2010-2012./.
Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục