Xúc tiến đầu tư từ Thái Lan vào công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam

Theo ông Chokdee Kaewsang Việt Nam là thị trường tiềm năng rất lớn với sự thuận lợi về địa lý, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, chính sách thu hút đầu tư khá cởi mở, độ mở của nền kinh tế cao.
Xúc tiến đầu tư từ Thái Lan vào công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam ảnh 1Lắp ráp xe tải hạng 870kg. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ngày 6/10, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, phối hợp với Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) và Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), tổ chức Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.”

Hội thảo nhằm góp phần kêu gọi các nhà đầu tư tại Thái Lan vào ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. 

Tham dự sự kiện xúc tiến đầu tư này có các diễn giả giàu kinh nghiệm chuyên ngành từ các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và Thái Lan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam (MPI) và Viện nghiên cứu chính sách và công nghiệp thuộc Bộ Công Thương Việt Nam, Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI), Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI).

Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1976-2016). 

Các diễn giả đã cung cấp các thông tin giá trị cho các nhà đầu tư tiềm năng tại Thái Lan và doanh nghiệp nước ngoài tại Thái Lan về tiềm năng hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang trên đà hội nhập, mở cửa mạnh mẽ với rất nhiều các hiệp định thương mại và đầu tư song phương và đa phương vừa được ký kết. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để quảng bá về chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

Ông Chokdee Kaewsang, Phó Tổng thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan cho biết, Thái Lan có lịch sử phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hơn 20 năm.

Ông nhấn mạnh, công nghiệp phụ trợ là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp chủ đạo của nước này như sản xuất ôtô, thiết bị điện tử, máy móc và cũng là điều kiện tiên quyết để cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩn chế tạo công nghiệp.

Ông cũng cho rằng công nghiệp phụ trợ phát triển sẽ giúp thu hút mạnh đầu tư nước ngoài và theo kinh nghiệm của Thái Lan, những yếu tố quan trọng khi phát triển ngành công nghiệp này là: thị trường, nhân lực có kỹ năng, chính sách thuế và các biện pháp hỗ trợ của chính phủ.

Theo ông, trong các yếu tố trên cần chú trọng nhất đến việc phát triển nguồn nhân lực có tay nghề với sự hỗ trợ thỏa đáng của chính phủ.

Nhận định về cơ hội đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam, ông Chokdee Kaewsang cho rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng rất lớn với sự thuận lợi về địa lý, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, chính sách thu hút đầu tư khá cởi mở, độ mở của nền kinh tế cao.

Đặc biệt, sự hội nhập mạnh của Việt Nam vào kinh tế khu vực và thế giới thông qua hàng loạt các hiệp định tự do thương mại lớn sẽ là điều kiện hết sức thuận lợi và là sức hút cho đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Thái Lan vào các ngành công nghiệp sản xuất, trong đó có công nghiệp phụ trợ.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã hết sức quan tâm chỉ đạo các cấp các ngành và cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm tập trung vào phát triển ngành công nghiệp phụ trợ với nhiều chính sách ưu đãi cũng như định hướng cụ thể để phát triển ngành công nghiệp đặc biệt quan trọng này.

Thái Lan là nước có ngành công nghiệp phụ trợ tương đối phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô với sự góp sức của không chỉ các nhà đầu tư tại Thái Lan mà còn của các nước có nền công nghiệp phát triển như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp... Những tập đoàn, doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Thái Lan sẽ là những nhà đầu tư thực sự có tiềm năng cũng như kinh nghiệm đối với Việt Nam.

Trong những năm vừa qua, doanh nghiệp Thái Lan quan tâm và đầu tư mạnh mẽ vào rất nhiều ngành và lĩnh vực tại Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính lũy kế đến tháng 6/2016, các nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư vào 466 dự án ở Việt Nam với tổng số vốn đạt khoảng 9,44 tỷ USD, xếp thứ 10/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Quy mô vốn bình quân một dự án của Thái Lan khoảng 20,26 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là khoảng 14 triệu USD/dự án. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nhận được sự quan tâm lớn bởi các nhà đầu tư Thái Lan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục