Ý nghĩa và bài học từ sự kiện đập tan "lá chắn thép" Phan Rang

Cùng với chiến thắng của các tỉnh Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, chiến thắng đập tan "Lá chắn thép" Phan Rang có ý nghĩa to lớn về quân sự và chính trị, làm lung lay tận gốc hệ thống phòng ngự quanh Sài Gòn.
Ý nghĩa và bài học từ sự kiện đập tan "lá chắn thép" Phan Rang ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vũ Tạo/TTXVN)

Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), ngày 8/4, tại Ninh Thuận, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo khoa học "Đập tan "lá chắn thép" Phan Rang - ý nghĩa và bài học lịch sử."

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết cách đây 40 năm, vào mùa Xuân 1975, trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, chính quyền Việt Nam Cộng hòa vội vã tổ chức “Tuyến phòng thủ từ xa," kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó, Phan Rang được chính quyền Sài Gòn coi là "lá chắn thép."

Với âm mưu đó, Mỹ-chính quyền Việt Nam Cộng hòa tăng cường và bố trí tại đây một lực lượng lớn cùng nhiều phương tiện chiến tranh có sự yểm trợ của không quân và hải quân. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, chắc thắng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Cánh quân Duyên hải phối hợp cùng với các lực lượng tại chỗ, trong đó có quân và dân Ninh Thuận nhanh chóng đập tan "lá chắn thép" Phan Rang, giải phóng Ninh Thuận.

Cùng với chiến thắng của các tỉnh Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, chiến thắng đập tan "lá chắn thép" Phan Rang có ý nghĩa to lớn về quân sự và chính trị, làm lung lay tận gốc hệ thống phòng ngự xung quanh Sài Gòn của Mỹ-chính quyền Việt Nam Cộng hòa, làm phá sản hoàn toàn âm mưu co cụm chiến lược của chúng, buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, góp phần vào thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân năm 1975.

Kết quả của cuộc hội thảo hôm nay, cùng những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ chiến thắng này sẽ vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta tiếp tục kế thừa, phát triển nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Hội thảo khoa học cho thấy ý nghĩa và bài học lịch sử to lớn của nghệ thuật sử dụng sức mạnh tổng hợp của hai lực lượng chính trị quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang; sự phối hợp giữa ba lực lượng là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, qua đó đúc kết bài học kinh nghiệm vào sự nghiệp xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng-an ninh hiện nay.

Hội thảo còn là dịp để cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ôn lại truyền thống cách mạng, qua đó ghi nhớ công lao và những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, cán bộ chiến sỹ đã không tiếc máu xương và tuổi trẻ làm nên những chiến thắng lẫy lừng.

Giám đốc Học Viện Lục quân, Thiếu tướng-tiến sỹ Hoàng Văn Minh nhấn mạnh chiến thắng Phan Rang đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, từ thực tiễn chúng ta có thể rút ra một số vấn đề cơ bản về phương thức tác chiến táo bạo, độc đáo và sáng tạo, nắm chắc thời cơ, đánh giá đúng đối tượng tác chiến, hạ quyết tâm chiến đấu nhanh...

Trung tướng-tiến sỹ Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, nhận định trận đánh Phan Rang là một trận đánh lớn của Cánh quân Duyên hải ở giai đoạn cuối của chiến tranh giải phóng đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm hay về nghệ thuật quân sự có thể tiếp tục nghiên cứu phát triển, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai. Kinh nghiệm đó là triệt để tận dụng thế và thời cơ do chiến lược tạo ra; tích cực chủ động tạo thế trận vững chắc, chuyển hóa linh hoạt, tạo bất ngờ trong tiến công; vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách đánh trong hành tiến, kiên quyết, liên tục tiến công, luôn đánh địch trong thế chủ động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục