Yemen: Biểu tình phản đối miễn truy tố ông Saleh

Ngày 18/9, hàng chục nghìn người đã biểu tình phản đối việc cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh được đặc quyền miễn truy tố.
Ngày 18/9, tại thủ đô Sanaa của Yemen, hàng chục nghìn người đã tiến hành biểu tình để phản đối việc cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh được đặc quyền miễn truy tố.

Cuộc biểu tình này nhằm đánh dấu một năm vụ lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình ở thủ đô Sanaa làm 35 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Đám đông biểu tình tụ tập từ trường đại học ở thủ đô Sanaa hướng về trung tâm thành phố và hô khẩu hiệu đòi đưa ông Saleh và các trợ thủ ra xét xử về vụ bạo lực này.

Tháng Hai vừa qua, sau 33 năm cầm quyền, ông Saleh đã chính thức từ chức và chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống khi đó là ông Abdrabuh Mansur Hadi hiện giữ chức Tổng thống.

Theo thỏa thuận chuyển giao quyền lực do Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) làm trung gian, ông Saleh và các trợ thủ của ông được miễn truy tố để đổi lấy việc ông từ chức.

Các tổ chức thanh niên ở Yemen phản đối thỏa thuận này và không ngừng yêu cầu tước bỏ đặc quyền miễn tố đối với ông Saleh và các trợ thủ.

Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại về một chiến dịch "phá hoại" chính phủ lâm thời Yemen và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng lan rộng tại quốc gia Trung Đông này.

Đại sứ Đức tại Liên hợp quốc Peter Wittig, giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng Chín này, cho biết Hội đồng Bảo an cũng như phái viên Liên hợp quốc tại Yemen Jamal Benomar đã bày tỏ ủng hộ Tổng thống Yemen Abdrabuh Mansur Hadi và quan ngại về những âm mưu phá hoại quá trình chuyển tiếp tại nước này.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mong muốn sớm có một cuộc đối thoại dân tộc toàn diện và đầy đủ các thành phần nhằm xây dựng nền tảng cho một đất nước Yemen ổn định và thống nhất.

Một hội nghị cấp cao về Yemen dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 27/9 bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, được xem là cơ hội để ông Peter Wittig tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình chuyển tiếp ở Yemen.

Liên quan đến tình hình an ninh ở Yemen, Đại sứ Mỹ tại Yemen Gerald M. Feierstein ngày 18/9 cho biết, Mỹ triển khai bổ sung một số lính thủy đánh bộ tới Yemen để tạm thời hỗ trợ công tác an ninh và bảo vệ Đại sứ quán Mỹ cũng như các nhà ngoại giao, sau khi Đại sứ quán Mỹ bị người biểu tình Yemen tấn công hồi tuần trước trong làn sóng phản đối bộ phim phỉ báng đạo Hồi sản xuất tại Mỹ.

Hãng tin Saba của Yemen cùng ngày tiết lộ, 50 lính thủy đánh bộ Mỹ và 200 xe bọc thép của Mỹ đã tới Yemen sau vụ bạo động ở Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Sanaa vào ngày 13/9.

Quốc hội Yemen ngày 15/9 đã nhất trí phản đối sự hiện diện của bất cứ lực lượng quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ Yemen dù với bất cứ lý do gì, đồng thời yêu cầu Mỹ rút ngay lập tức lực lượng lính thủy đánh bộ khỏi Yemen./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục