Sẽ quy định chặt phong hàm Tướng công an

Yêu cầu quy định chặt xét phong hàm cấp Tướng công an

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) cần quy định chặt chẽ hơn việc phong hàm Tướng trong công an.
Yêu cầu quy định chặt xét phong hàm cấp Tướng công an ảnh 1 Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 15/4, thảo luận về dự án Luật Công an Nhân dân (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo luật cần làm rõ và quy định chặt chẽ, cụ thể hơn việc phong hàm Tướng trong lực lượng Công an Nhân dân.

Thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi, đánh giá dự thảo đã được hoàn thiện thêm một bước, nhưng Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội cho rằng, quy định trong dự thảo về việc xác định vị trí có nhu cầu cấp hàm Tướng trong Công an Nhân dân chưa chặt chẽ; dự thảo cũng chưa ấn định thời hạn xét thăng cấp bậc hàm cấp Tướng; chưa thống nhất cấp bậc hàm tương đương giữa Công an, Quân đội tại 7 tỉnh, thành phố đặc thù trực thuộc Trung ương.

Đa số các ý kiến đề nghị việc quy định chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng cần nghiên cứu quán triệt đầy đủ tinh thần Thông báo của Bộ Chính trị để đảm bảo chặt chẽ, cụ thể trong dự thảo Luật về các tiêu chí xác định vị trí có nhu cầu sỹ quan cấp Tướng (căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tính chất hoạt động, quy mô, phạm vi quản lý của đơn vị).

Bên cạnh đó, dự án Luật phải đảm bảo thống nhất cấp hàm tương đương giữa Công an và Quân đội ở cấp tỉnh; bảo đảm quy định cấp trưởng phải cao hơn cấp phó một bậc.

Các ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật đưa vào dự thảo thời hạn xét thăng quân hàm cấp tướng; nghiên cứu việc quy định tách lương khỏi cấp hàm.

Góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, việc quy định trần quân hàm cấp tướng cần tính đến một số tỉnh sắp tới sẽ chuyển thành thành phố trực thuộc trung ương.

Ông Ksor Phước đề nghị cần áp dụng trần Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh có dân số từ 3 triệu người trở lên, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có trần Trung tướng; đồng thời lưu ý ưu tiên quân hàm đối với các vị trí chiến đấu có nguy cơ cao xảy ra thương vong, không nên ưu tiên khối văn phòng.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu góp ý, thời hạn thăng quân hàm từ Thiếu tướng lên Trung tướng nên được quy định cụ thể trong dự thảo Luật, có tính đến yếu tố lập thành tích xuất sắc, thăng quân hàm trước niên hạn. Việc quy định trần quân hàm cần chặt chẽ nhưng linh hoạt, nhất là đối với những địa bàn đông dân cư, tình hình an ninh trật tự phức tạp.

Tán thành việc quy định chặt chẽ trong phong thăng hàm cấp tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng dự thảo cũng cần quy định cơ chế giải quyết đối với những trường hợp đã được phong tướng trước khi Luật Công an nhân dân sửa đổi có hiệu lực.

Cho ý kiến về quy định về trần quân hàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị dự thảo quán triệt sâu sắc và toàn diện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương; thống nhất phù hợp với các luật liên quan, đặc biệt là phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

"Phải giải thích rõ ràng, cụ thể trong Luật lý do ấn định trần quân hàm đối với mỗi chức vụ, vị trí công tác để đảm bảo thực thi đúng quy định trong thực tế," Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát một số quy định về chức năng nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân, làm rõ vai trò, thẩm quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đối với việc thăng, giáng quân hàm; bổ nhiệm chức vụ đối với sỹ quan Công an Nhân dân.

Bên cạnh nội dung thăng, giáng quân hàm trong lực lượng Công an Nhân dân, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về đánh giá thí điểm mô hình Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy; làm rõ địa vị pháp lý của Công an xã tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để lực lượng này hoàn thành nhiệm vụ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý cơ quan soạn thảo cần tiến hành đánh giá, tổng kết việc triển khai Pháp lệnh Công an xã trước khi đưa lực lượng này vào Dự thảo Luật Công an Nhân dân (sửa đổi).

Dự án Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) là dự án luật quan trọng đã 3 lần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, mới đây nhất là tại Phiên họp thứ 22.

Tiếp thu ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) đã tiếp tục được chỉnh lý, bổ sung hướng đến mục tiêu hoàn thiện cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, dự án luật mới phải sửa đổi, khắc phục hết các nhược điểm cũng như phát huy những điểm tốt của Luật Công an Nhân dân hiện hành; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong thời kỳ mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục