Yêu cầu và đòi hỏi của dân đối với đại biểu dân cử cấp cơ sở

Đại biểu được lựa chọn, bầu vào các cơ quan dân cử phải có tâm, có đức, có năng lực, trình độ để thực hiện trọng trách là người đại biểu của dân và đặc biệt phải nói lên tiếng nói của người dân.
Yêu cầu và đòi hỏi của dân đối với đại biểu dân cử cấp cơ sở ảnh 1Thái Nguyên công bố danh sách 75 đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra vào ngày 22/5 vừa qua đã thành công tốt đẹp.

Theo tổng hợp từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia, 98,79% cử tri trong cả nước đã tham gia bỏ phiếu trực tiếp bầu ra cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Trung ương và địa phương.

Chỉ hai ngày sau ngày bầu cử, đã có những địa phương đầu tiên công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tính đến ngày 1/6 - thời điểm cuối cùng để Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố công bố kết quả bầu cử, cơ bản các địa phương đã hoàn tất công tác này.

Tổng hợp sơ bộ từ Ủy ban Bầu cử của các địa phương cho thấy, cơ bản đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã được bầu đủ số lượng. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, cử tri bầu thiếu đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã so với số lượng được ấn định.

Cụ thể, Ủy ban Bầu cử tỉnh Tuyên Quang cho biết có 6 đơn vị phải tiến hành bầu cử thêm đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã vì bầu không đủ số lượng đại biểu được ấn định, trong đó, huyện Sơn Dương có 4 đơn vị bầu cử như xã Lâm Xuyên, bầu được 3/5 đại biểu; xã Hồng Lạc bầu được 1/3 đại biểu; xã Thanh Phát bầu được 3/5 đại biểu; xã Quyết Thắng bầu được 2/4 đại biểu; huyện Yên Sơn có 1 đơn vị bầu cử: Xã Chân Sơn, bầu được 3/5 đại biểu; huyện Na Hang có 1 đơn vị bầu cử: Xã Côn Lôn bầu được 2/4 đại biểu.

Tỉnh Hà Nam bầu thiếu 129 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã. Ủy ban Bầu cử tỉnh Hà Nam quyết định 19 đơn vị phải tiến hành bầu cử thêm 44 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã do chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu được bầu.

Toàn tỉnh Lâm Đồng được ấn định 4.165 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã nhưng chỉ bầu dược 4.098 người, trong đó, 3 đơn vị bầu cử tại huyện Lâm Hà chưa bầu đủ 2/3 số lượng đại biểu được ấn định, theo quy định phải tổ chức bầu thêm là xã Mê Linh (đã bầu thêm 1 đại biểu vào ngày 29/5), xã Phúc Thọ và xã Liên Hà sẽ lần lượt bầu thêm 1 và 3 đại biểu vào ngày 5/6 tới...

Về tình trạng bầu thiếu đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã tại nhiều địa phương trong cả nước, ông Lê Minh Thông, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia khẳng định trước hết phải tôn trọng ý chí của cử tri, cử tri đã lựa chọn, chúng ta trân trọng kết quả đó.

Dưới góc độ của nhà nghiên cứu, theo ông Lê Minh Thông, khi ý thức của dân ngày càng cao, trách nhiệm chính trị của dân ngày càng nâng lên, việc người dân không tín nhiệm ai đó trong danh sách ứng cử viên cũng là câu chuyện bình thường. Điều đó cho thấy mức độ trưởng thành dân chủ của chúng ta rất tốt, ý thức của nhân dân ngày càng cao.

Rõ ràng, đại biểu Hội đồng Nhân dân gắn liền với dân, gần dân, do đó họ rất quan tâm. Cử tri đã cân nhắc, lựa chọn cẩn thận ở cấp Hội đồng Nhân dân cuối cùng, bởi vì đó là những người đại diện trực tiếp cho dân và giải quyết những công việc trực tiếp nơi người dân sinh sống.

Việc phải bầu thêm đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường cho thấy cử tri rất quan tâm và kỳ vọng vào Hội đồng Nhân dân cấp cơ sở. Sự lựa chọn cẩn trọng đó xuất phát từ sự đánh giá cao Hội đồng Nhân dân cơ sở, cử tri lựa chọn những người họ biết rõ vì những ứng cử viên đó là những người sống với họ, họ chia sẻ thông tin và đánh giá được năng lực của các ứng cử viên.

Ở một góc độ khác, ông Lê Minh Thông cho rằng việc lựa chọn ứng cử viên để giới thiệu cho cử tri bầu cũng cần được nghiên cứu thêm. Có thể công tác chọn nhân sự ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống ở cơ sở.

Công tác vận động bầu cử, cách thuyết trình của các ứng cử viên cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để cử tri lựa chọn được đúng người, nói lên tiếng nói của mình.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu về những mối quan hệ phức tạp ở nông thôn, ở cơ sở.

Ông Lê Minh Thông cho rằng những yếu tố như dòng họ, văn hóa của từng thôn, bản, lệ làng... cũng tác động tới việc lựa chọn đại biểu trúng cử.

Đại biểu Quốc hội khóa XIII Dương Trung Quốc đánh giá Hội đồng Nhân dân nằm trong thiết chế chính trị của Nhà nước, có một vị thế rất quan trọng, là đại diện trực tiếp của người dân tại địa phương.

Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu thấy rằng có nhiều vụ việc từ cơ sở, là những vấn đề thiết thân đối với người dân nhưng do không được giải quyết thấu đáo, kín kẽ, vai trò của cơ quan dân cử ở địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường chưa được phát huy hết nên phải trình ra Quốc hội.

Nhìn nhận thực tế cuộc bầu cử vừa rồi, có hiện tượng bầu thiếu nhiều đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường, đại biểu Dương Trung Quốc thấy rằng kết quả đó bao hàm nhiều lý do.

Đó có thể là kết quả của một bộ phận cử tri không quan tâm đúng mức tới cuộc bầu cử, có thể cử tri đã bỏ phiếu không đúng quy cách... nhưng điều đại biểu thấy rõ hơn là người dân đã chú trọng hơn việc bầu ra những người đại diện cho mình, họ mong muốn những điều tốt đẹp hơn.

Kết quả đó thể hiện đòi hỏi của người dân và đòi hỏi đó phần nào được phản ánh qua lá phiếu của cử tri - đại biểu chia sẻ.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng đây là một biểu hiện tích cực, thể hiện ý chí của người dân và sự lựa chọn của người dân qua lá phiếu của mình cũng tác động vào việc thực thi trách nhiệm của đại biểu trong cơ quan dân cử.

Đây cũng là dịp để nhắc nhở mỗi người trúng cử cần nhìn lại mình, cố gắng điều chỉnh với cách đánh giá của xã hội..., đại biểu Dương Trung Quốc nêu rõ.

Bí thư chi bộ Cụm 4, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, ông Lê Phương Văn cho biết, đại biểu được lựa chọn, bầu vào các cơ quan dân cử phải có tâm, có đức, đồng thời phải có năng lực, trình độ để thực hiện được trọng trách là người đại biểu của dân và điều đặc biệt quan trọng, người đại biểu của dân, bên cạnh lắng nghe dân cũng cần có bản lĩnh, dũng khí để nói lên tiếng nói của người dân. Đây chính là mong muốn, gửi gắm của cử tri tới những người đại diện cho mình tại cấp cơ sở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục