10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2008

Ngày 30/12 tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán đã chính thức công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2008, do các thành viên của câu lạc bộ - những nhà báo chuyên viết về lĩnh vực chứng khoán đến từ hơn 20 cơ quan báo chí trên toàn quốc – bình chọn.

Ngày 30/12 tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán đã chính thức công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2008, do các thành viên của câu lạc bộ - những nhà báo chuyên viết về lĩnh vực chứng khoán đến từ hơn 20 cơ quan báo chí trên toàn quốc – bình chọn.
 

Đây là sự kiện thường niên lần thứ 2 câu lạc bộ tổ chức bình chọn và công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật, chọn lọc từ gần 30 sự kiện được đề cử qua vòng sơ tuyển - những sự kiện nổi bật nhất thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận nhất trong năm qua.

Các sự kiện được xếp theo thứ tự thứ nhất đến thứ mười như sau:
 

1. Lần đầu tiên chỉ số giá chứng khoán giảm gần 70% trong một năm

Năm 2008, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam xấu nhất trong suốt hơn 8 năm hoạt động. Chỉ số giá chứng khoán của cả hai sàn giảm mạnh: HaSTC-Index ở dưới mức 100 điểm vào ngày 27.11. So với thời điểm đầu năm 2008, HaSTC-Index và VN-Index giảm tương ứng 67,2% và 66,9%. Trước đó, vào năm 2003, chỉ số chứng khoán từng giảm xuống mức thấp nhất 139 điểm, nhưng mức giảm của VN-Index trong năm này thấp hơn nhiều so với năm 2008.
 

2. IPO thành công Vietinbank
 

Ngày 25/12/2008 với giá trúng thầu bình quân 20.265đ/cổ phiếu, VietinBank đã tạo ra một tiền lệ về giá IPO của một doanh nghiệp lớn khi mức khởi điểm chỉ là 20.000đ/CP. Mức giá này chỉ bằng 1/5 so với giá khởi điểm đấu giá cổ phiếu Vietcombank một năm trước đó. Cùng với sự xuống dốc của thị trường chứng khoán, năm 2008 cũng đánh dấu một năm thất thu của hoạt động cổ phần hóa và phát hành tăng vốn của khối doanh nghiệp khi rất nhiều đợt IPO đã thất bại do không đủ số lượng nhà đầu tư đăng ký mua. Rất nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng đã huỷ kế hoạch phát hành tăng vốn.
 

3. Sự kiện BBT báo động tình trạng lỗ thật lãi giả
 

Ngày 11.7 cổ phiếu BBT của Công ty Bông Bạch Tuyết đã phải tạm dừng giao dịch do thua lỗ trong hai năm liên tiếp và đứng trên bờ vực phá sản. Sự kiện BBT lỗ thật vẫn báo cáo lãi bị phát hiện trong năm 2008 đã báo động tình trạng thiếu minh bạch về hoạt động kiểm toán và công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết. Năm 2008 cũng là năm đầu tiên nhiều nhân viên kiểm toán bị cấm hoạt động kiểm toán trên thị trường chứng khoán do những sai phạm trong khi kiểm toán cho DN niêm yết và công ty đại chúng.
 

4. Từ 1/10, tách bạch tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán
 

Ngày 1/10/2008 là hạn chót để các CTCK phải thực hiện tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư bằng cách chuyển khoản này cho ngân hàng quản lý nhằm tăng cường sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh và dịch vụ của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBCKNN, hiện mới có 77 Cty thực hiện yêu cầu này.
 

5. Thị trường UPCOM đã có khung pháp lý
 

Ngày 20.11, Bộ Tài chính đã ban hành Quy chế Tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết (gọi tắt là thị trường UPCOM) của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC), sau gần 2 năm chờ đợi kể từ khi Luật Chứng khoán có hiệu lực thi hành. Việc khởi động thị trường UPCOM được kỳ vọng sẽ từng bước thu hẹp thị trường tự do, nâng cao tính minh bạch, công khai và an toàn trong các giao dịch chứng khoán.
 

6. Năm 2008, hàng trăm doanh nghiệp bị xử phạt
 

Trong năm 2008, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 136 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tổng số tiền phạt nộp vào Ngân sách nhà nước trong năm 2008 là 4,235 tỷ đồng. Năm 2008 cũng là năm mà lần đầu tiên thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận việc doanh nghiệp cổ phần đầu tiên bị phạt do không thực hiện nghĩa vụ đăng ký Công ty đại chúng với UBCKNN. Nhiều cá nhân cũng bị phạt về hành vi lũng đoạn thị trường với số tiền lên tới 100 triệu đồng.
 

7. Luật thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với hoạt động đầu tư chứng khoán
 

Xuyên suốt hoạt động của thị trường chứng khoán năm 2008 là những bàn luận về một sắc thuế mới, thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân. Hàng nghìn ý kiến phản đối hoặc đồng thuận đã được đăng tải trên các mặt báo, nhưng vào thời điểm cuối cùng của năm 2008, việc thu hay không thu khoản thuế này vẫn không được cơ quan có thẩm quyền trả lời dứt khoát. Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ có hiệu lực kể từ 1.1.2009 và cũng từ thời điểm này nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán sẽ phải nộp thuế thu nhập.
 

8. Năm của tin đồn
 

Năm 2008 xuất hiện rất nhiều tin đồn thất thiệt liên quan đến các lãnh đạo DN, ảnh hưởng không tốt tới thị trường. Để chấn chỉnh thông tin liên quan đến thị trường chứng khoán, một trong những giải pháp được Chính phủ đưa ra nhằm bình ổn thị trường là các cơ quan chức năng phải phối hợp với báo chí để cung cấp thông tin chính xác.
 

9. Ngày 2.12, công ty chứng khoán Asean họp để bàn việc giải thể
 

Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 8 năm hoạt động của thị trường chứng khoán, một công ty chứng khoán đã chính thức họp bàn để tính việc... giải thể. Ðây chỉ là một ví dụ về tác động từ sự suy giảm của thị trường chứng khoán khiến các công ty chứng khoán gặp rất nhiều khó khăn. Từ tháng 5/2008, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tạm ngừng nhận mới hồ sơ xin cấp phép công ty chứng khoán và chỉ tập trung thẩm định hồ sơ cấp phép đối với những công ty đã nộp hồ sơ trước tháng 5/2008. Tính đến hết 12/2008, số lượng công ty chứng khoán là 102 công ty, trong đó có 24 công ty được cấp phép trong năm 2008.
 

10. Thị trường chứng khoán Việt Nam “đồng điệu” cùng thị trường chứng khoán Mỹ
 

Một sự kiện thú vị được phát hiện trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu là lần đầu tiên thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến đồng điệu với thị trường chứng khoán Mỹ trong một thời gian khá dài kể từ ngày 15.9.2008. Nhà đầu tư Việt Nam thay vì nhìn vào báo cáo tài chính, chỉ số VN-Index, đã chuyển sang quan tâm đặc biệt đến diễn biến lên xuống của chỉ số chứng khoán Mỹ và chỉ số chứng khoán toàn cầu. Hiện tượng "Mỹ hoá" thị trường chứng khoán này được giải thích là cuộc khủng hoảng tài chính tài Mỹ có ảnh hưởng lớn đến các thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO.
 

(Nguồn: Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán)

Tin cùng chuyên mục