10 triệu euro hỗ trợ phát triển thông tin lâm nghiệp

Dự án phát triển hệ thống quản lý thông tin ngành lâm nghiệp giai đoạn II, vốn đầu tư hơn 10 triệu euro, được triển khai đến 2018.
Lễ ký Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan về khoản vốn viện trợ phát triển (ODA) dự án “Phát triển hệ thống quản lý thông tin ngành lâm nghiệp-giai đoạn II” (FORMIS II) đã được ký sáng 24/5 tại Hà Nội.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 10 triệu euro, trong đó vốn ODA do Chính phủ Phần Lan tài trợ là 9,7 triệu euro, còn lại là vốn đối ứng.

Dự án được triển khai từ tháng 4/2013 đến 4/2018, nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin ngành lâm nghiệp của Việt Nam.

Phát biểu tại lễ ký, Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam Kimmo Lahdevirta kỳ vọng, dự án FORMIS II sẽ góp phần hỗ trợ phát triển bền vững cho ngành lâm nghiệp của Việt Nam; giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và giúp người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với nguồn thông tin mở trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Hà Công Tuấn đánh giá, kết quả  triển khai dự án FORMIS I (giai đoạn 2009-2012) rất có ý nghĩa với ngành lâm nghiệp Việt Nam và là tiền đề quan trọng để Chính phủ Phần Lan cam kết tiếp tục tài trợ cho dự án FORMIS II, nhằm kế thừa và hoàn thiện các phần mềm cơ sở dữ liệu đã được xây dựng để mở rộng ra phạm vi toàn quốc.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ triển khai tích cực và chỉ đạo toàn diện để dự án đạt hiệu quả cao nhất, thúc đẩy công tác quản lý tài nguyên rừng bền vững dựa trên các thông tin cập nhật, góp phần xóa đói giảm nghèo trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Dự án FORMIS II gồm 5 hợp phần là xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn và cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan của Việt Nam; hệ thống FORMIS nền và các ứng dụng được vận hành tại tất cả các tỉnh, tập trung vào các tỉnh có rừng.

Hệ thống quản lý thông tin tài nguyên rừng đã được cải tiến (thông tin tài nguyên rừng, báo cáo về các hoạt động/sự cố, thông tin liên quan đến các sản phẩm lâm nghiệp và quản lý tài chính), đặc biệt những ứng dụng mới của hệ thống sẽ được thử nghiệm và chạy vận hành một cách toàn diện ở 3 tỉnh thí điểm trong giai đoạn I là Quảng Ninh, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế, trước khi được áp dụng trên toàn quốc.

Đồng thời, dự án cũng giúp tăng cường các biện pháp thu thập dữ liệu ở cấp xã dựa vào định vị toàn cầu (GPS)…; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ngành lâm nghiệp và đưa vào cơ sở dữ liệu chuẩn của FORMIS, xây dựng các chỉ số báo cáo về thực hiện các hoạt động lâm nghiệp; tăng cường năng lực thu thập và quản lý thông tin; hỗ trợ thành lập Trung tâm Thông tin lâm nghiệp/Phòng Công nghệ thông tin lâm nghiệp./.

Hoàng Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục