10 việc làm quan trọng đối với trẻ dưới 3 tuổi

Được bố cõng trên lưng không chỉ giúp bé cảm nhận sức mạnh của người cha mà còn tăng cường sự gắn bó, thân thiết giữa hai người. 
Mặc dù chỉ là những việc làm, hành động quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày nhưng chúng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển cũng như tương lai của em bé.

Mạng Tin tức Trung Quốc trích đăng kết quả nghiên cứu, tổng kết của các chuyên gia liên quan đến quá trình phát triển tâm, sinh lý của các em bé dưới 3 tuổi, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa của 10 việc làm sau:

1. Được bố cõng trên lưng: Hành động này không chỉ làm cho em bé cảm nhận được sức mạnh của người cha mà còn giúp tăng cường sự gắn bó, thân thiết giữa hai người. Bên cạnh đó, nó cũng giúp cho trẻ thử nghiệm cảm giác, cách quan sát và di chuyển của người lớn.

2. Đi trong mưa:
Lắng nghe những âm thanh khác nhau do nước mưa tạo ra khi rơi trên mái nhà, mặt đất và mũ nón... kết hợp với quan sát cách hướng dẫn, giúp đỡ của người lớn để tránh bị ướt sẽ giúp trẻ hình thành ý chí khắc phục khó khăn trong cuộc sống sau này. Đương nhiên, bạn đừng quên gấp cho em bé một chiếc thuyền giấy, sau đó thả trôi bồng bềnh theo dòng nước.

3. Cùng cha mẹ về quê: Môi trường khác biệt cùng những cảnh vật mới lạ xung quanh sẽ kích thích khả năng quan sát và tư duy của em bé. Bên cạnh đó, những cảnh vật này còn giúp tăng cường trí tưởng tượng và ham muốn khám phá của con bạn.

4. Mặc thử quần áo của người lớn: Việc làm này sẽ giúp em bé thỏa mãn được ước mơ trở thành người lớn, đồng thời cũng giúp các em phân biệt, so sánh được sự to bé, dài ngắn, béo gầy…

5. Đi trên những đoạn đường xấu: Khi di chuyển trên những đoạn đường mấp mô, bụi bẩn và cát sỏi… bàn chân của em bé sẽ liên tục có những cảm giác khác nhau. Điều này giúp nâng cao khả năng cảm nhận cũng như điều chỉnh cân bằng của em bé, đây cũng chính là sự thử nghiệm đầu tiên trong “đường đời” của các em.

6. Tiếp xúc với bóng tối:
Với các em bé, bóng tối đồng nghĩa với sự sợ hãi và cảm giác bị đe dọa. Do đó, khi giúp trẻ đối diện với bóng tối sẽ khiến cho em bé học được sự dũng cảm, khắc phục khó khăn cũng như khả năng thích nghi với các môi trường khác nhau trong cuộc sống sau này.

7. Chơi đùa trên bãi cỏ: Tự do nô đùa trên bãi cỏ là hoạt động thích nhất của em bé. Cha mẹ nên cùng chơi đùa với con mình, đồng thời tạo ra các thử thách với những mức độ khó khăn khác nhau cho trẻ như thay đổi phương hướng, tìm cách trèo lên người của bố mẹ…

8. Tắm cùng bố mẹ:
Những sự giống và khác nhau trên cơ thể sẽ tạo hứng thú quan sát cho em bé, đây cũng chính là hành động giáo dục giới tính tự nhiên đầu tiên để em bé dần phân biệt sự khác nhau giữa nam và nữ.

9. Ở lại nhà bạn: Một mình ở lại nhà bạn sẽ giúp em bé cảm nhận được phong cách cùng những thói quen sinh hoạt mới, không giống với nhà mình. Bên cạnh đó, việc làm này cũng tạo cho trẻ cảm giác “độc lập” khi không có bố mẹ bên cạnh, tự tăng cường hoạt động giao lưu, tiếp xúc của mình.

10. Đọc sách cùng bố mẹ: Việc làm này sẽ giúp trẻ sớm hình thành thói quen đọc sách, nên để các em thoải mái lật giở, tìm những trang hoặc hình ảnh mà mình thích./.
Xuân Vịnh/Bắc Kinh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục